Những cuốn sách ''lên tiếng'' bảo vệ phụ nữ
Sách - Ngày đăng : 16:45, 03/12/2021
Từ những cuốn sách cung cấp thông tin
Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, về bảo vệ phụ nữ thì việc cung cấp thông tin, trang bị kiến thức và kỹ năng phòng ngừa bạo lực và tự bảo vệ cho phụ nữ là điều hết sức quan trọng. Gần đây, nhiều cuốn sách về đề tài này đã được xuất bản, như cuốn “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” (NXB Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam, 2019). Dày hơn 500 trang, sách cung cấp thông tin pháp luật về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, hướng dẫn họ hiểu về quyền của mình, biết khi gặp vấn đề thì tìm kiếm sự hỗ trợ từ đâu.
Cuốn sách “Bạo hành ở nữ giới - số phận và những ước mơ” (NXB Hồng Đức, 2015) bàn về nguyên nhân, tình trạng và hậu quả của bạo hành gia đình, giới thiệu quan điểm của người phụ nữ hiện đại về hạnh phúc trong hôn nhân thông qua những câu chuyện, những cảnh đời và những tâm sự, ước mơ của nhiều người phụ nữ từng phải sống trong bạo hành.
Đặc biệt, các đơn vị xuất bản đã đầu tư nhiều cuốn sách kỹ năng cho trẻ em gái. Ngay từ lứa tuổi mẫu giáo hay ở tuổi dậy thì, đã và đang có nhiều đầu sách giúp các em được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Đó là bộ sách “Giáo dục giới tính và nhân cách dành cho bé gái” (NXB Hà Nội và Đinh Tị Books), “Tuyên bố quyền con gái”, “Cuốn sách nhỏ về bạo lực” (NXB Kim Đồng), “Cùng con nhận biết và phòng chống bạo hành - Con yêu, bố mẹ luôn ở đây” (NXB Thế giới), "Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con" (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)...
Đến các trang văn góp thêm tiếng nói
Cùng với những cuốn sách kỹ năng, nhiều tác phẩm văn học về bạo lực với phụ nữ và trẻ em đã được ra mắt, trong đó có nhiều cuốn thuộc thể loại hồi ký, tự truyện. Đó là “Khu vườn của Jenny” - cuốn sách nhẹ nhàng mà đầy ám ảnh của tác giả Trần Phương Hoa đã đưa độc giả đến với hành trình vượt qua tổn thương của cô bé Jenny. Đó là “Ngàn mặt trời rực rỡ” như một trường ca về nỗi đau và hy vọng của hai người phụ nữ, hai tuổi thơ trong câu chuyện. Đó là số phận thảm thương của “Tess - Một tâm hồn trong trắng” trước những quan niệm cổ hủ về tín ngưỡng, đạo đức trong tình yêu và hôn nhân. Hay là cô bé Tara ở ngay thời hiện đại đây thôi, từ một góc xa xôi hẻo lánh của miền tây nước Mỹ đã phải phấn đấu, phải chờ đợi và nỗ lực vượt bậc như thế nào để “Được học” và sau này cô đã giành được học vị Tiến sĩ ngành Sử học tại Đại học Cambridge danh tiếng.
Thì ra không phải chỉ ở những nước nghèo, những nước đang phát triển mà ngay ở chính những quốc gia đang đứng đầu thế giới, bất bình đẳng theo cách này hay cách khác vẫn âm thầm diễn ra. Vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em luôn nóng trên toàn cầu. Hồi ký “Hãy gọi tên tôi” của Chanel Miller kể câu chuyện của chính tác giả. Đó là đầu năm 2015, vụ xâm hại trong khuôn viên trường đại học Stanford đã gây rúng động nước Mỹ mà nạn nhân là một cô gái 22 tuổi. Thủ phạm 19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất của trường, ngay lập tức bị giam giữ và vụ án được xét xử sau đó với bản án khó có thể tưởng tượng: 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế. Vượt qua những đau khổ, tủi nhục, chịu cô lập và áp bức, Chanel Miller bằng sự kiên cường và can đảm, đã đưa sự thật ra ánh sáng, và chính sự thật này đã dẫn đến sự thay đổi một số điều luật liên quan. Hồi ký “Hãy gọi tên tôi” đã được Hải Đăng Books cho ra mắt độc giả Việt Nam cách đây chưa lâu.
Cũng là tự truyện, bác sĩ Denis Mukwege - người nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2018 “vì những nỗ lực trong việc chống lại sử dụng bạo lực tình dục như là một vũ khí chiến tranh” đã góp tiếng nói nhân quyền cho dân tộc mình qua tác phẩm “Blouse trắng tim hồng” (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ, nay là NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh). Ở đất nước Congo vẫn còn nhiều kỳ thị về giới tính của ông, những người phụ nữ thấp cổ bé họng phải chịu cảnh bạo hành. Đã không ít lần ông phải bật khóc khi bước lại gần những bệnh nhân đang đau đớn. Họ, từ bé gái ba tuổi, những người phụ nữ trẻ đến những người mẹ, người bà đến bệnh viện với những tổn thương thể xác và tinh thần khủng khiếp. “Đánh vào người phụ nữ tức là đánh vào toàn bộ gia đình, làm suy thoái cả xã hội và cộng đồng. Không cần xe tăng, đại bác, máy bay cũng có thể đem lại kết quả hủy hoại như một cuộc chiến tranh...” - bác sĩ Denis Mukwege đã viết.
Những cuốn sách nói trên đã và đang góp tiếng nói xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu.