Hà Nội đặt mục tiêu 100% số xã, phường, thị trấn có mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy
Đời sống - Ngày đăng : 17:09, 04/12/2021
Đây là tinh thần nêu tại Kế hoạch số 270/KH-UBND ngày 1-12-2021 của UBND thành phố Hà Nội về xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, các cấp, ngành của thành phố song song triển khai, duy trì hiệu quả các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tập trung phát huy hiệu quả vai trò của đội công tác xã hội tình nguyện trong công tác quản lý sau cai, hạn chế tỷ lệ tái nghiện; đẩy mạnh hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại Thủ đô.
Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
Căn cứ chỉ tiêu chung, tình hình thực tiễn về người nghiện ma túy, số người sau cai nghiện ma túy, khả năng bố trí kinh phí, nguồn lực, UBND thành phố giao các địa phương triển khai thực hiện theo chỉ tiêu cụ thể và lộ trình triển khai thực hiện. Cụ thể, năm 2021, toàn thành phố phấn đấu có 20-30% số xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy. Con số này năm 2022 là 30-40%; năm 2023 là 40-60%; năm 2024 là 60-80% và năm 2025, 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố áp dụng mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy.
UBND thành phố lưu ý, trong quá trình triển khai các mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại các địa phương, cần thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý sau cai nghiện ma túy, bảo đảm sự tham gia vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và thống nhất của các sở, ban, ngành, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân và sự tham gia của bản thân, gia đình người sau cai nghiện ma túy.
Các địa phương lựa chọn mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy phù hợp, cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai bảo đảm phù hợp với từng địa bàn dân cư; xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung mô hình, các giải pháp thực hiện và bám sát theo tiến độ đặt ra của thành phố đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo.