Sáng tạo để phát triển

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 05/12/2021

(HNM) - Nghệ thuật ca, múa, nhạc có vai trò hết sức quan trọng trong việc bồi đắp, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Điều đáng mừng là, dù gặp không ít khó khăn nhưng thời gian qua, nghệ thuật ca, múa, nhạc ở nước ta vẫn phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Để giữ được sức sống, nghệ thuật ca, múa, nhạc ở nước ta đã có những chuyển động linh hoạt, đổi mới và sáng tạo, vừa đáp ứng thị hiếu khán giả, vừa phát huy tinh hoa nghệ thuật dân tộc. Nhiều chương trình không chỉ có ca, múa, nhạc mà kết hợp với kịch, xiếc, hiphop và tận dụng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màn hình LED hiện đại; hay các tiết mục ca, múa sử dụng chất liệu dân gian nhưng được phối khí, dàn dựng đậm tính đương đại, đem lại hiệu quả cao... Đặc biệt, sự chuyển mình này thể hiện rất rõ tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021. Trong đó, các chương trình, tiết mục không chỉ đặc sắc, hấp dẫn, đa dạng về phong cách, mà còn có chiều sâu nghệ thuật, thể hiện những sắc thái, diện mạo, tính sáng tạo riêng của từng đơn vị, từng loại hình nghệ thuật...

Trong bối cảnh hiện nay, để hoạt động ca, múa, nhạc tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng, các đơn vị nghệ thuật cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong đầu tư, sáng tạo từ khâu lựa chọn kịch bản, tiết mục đến dàn dựng, tập luyện, biểu diễn. Trong sáng tạo, biểu diễn phải tạo được bản sắc, hấp dẫn khán giả cả phần nghe và phần nhìn.

Muốn vậy, các đơn vị nghệ thuật phải luôn ý thức, định vị được các giá trị, sáng tạo những đề tài mới có ích cho đời sống cộng đồng và thu hút được đông đảo công chúng. Bên cạnh đó là tiếp cận ngay với cách làm nghệ thuật phù hợp quy luật của thị trường, đó là chủ động mang nghệ thuật đến với khán giả thay vì đợi công chúng, khán giả đến với nghệ thuật. Có nhiều cách tiếp cận khán giả khác nhau như tổ chức đi lưu diễn, hay ứng dụng nền tảng kỹ thuật số để giới thiệu các chương trình, tác phẩm nghệ thuật trên internet, các trang mạng xã hội...

Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều thời điểm hoạt động nghệ thuật ca, múa, nhạc phải tạm hoãn hoặc dừng tổ chức khiến nhiều đơn vị, nghệ sĩ... gặp khó khăn. Do đó, các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để giới hoạt động nghệ thuật vượt qua khó khăn, có thêm động lực cống hiến và giữ "lửa nghề". Đó là trước mắt, còn về lâu dài cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm đời sống, giảm bớt khó khăn cho giới hoạt động nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu biểu diễn; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về sáng tác, thể hiện tác phẩm cho đội ngũ nghệ sĩ, đạo diễn, biên đạo; tổ chức các cuộc thi nhằm phát hiện tài năng biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc...

Cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của cơ quan quản lý, đơn vị nghệ thuật, đội ngũ đạo diễn, biên đạo, ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ... cần không ngừng trau dồi, rèn luyện trình độ chuyên môn, kỹ năng biểu diễn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến sự sáng tạo, thay đổi bản thân để đem đến khán giả nhiều trải nghiệm nghệ thuật thú vị.

Tích cực sáng tạo và đổi mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật, phương thức biểu diễn phục vụ sẽ là cơ sở vững chắc để hoạt động ca, múa, nhạc ở nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quỳnh Anh