Thành phố Hồ Chí Minh: Dồn lực cho năm ''bản lề''

Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 23/01/2023

(HNM) - Năm 2023 là năm “bản lề” của kế hoạch 5 năm (2021-2025) và là thời điểm thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo đột phá. Theo lãnh đạo thành phố, trọng tâm của nhiệm vụ này là xây dựng nền hành chính hiện đại, xây dựng con người quản lý mới dám nghĩ dám làm, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực xã hội tạo mức tăng trưởng cao và ổn định.

Thành phố Hồ Chí Minh đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tính năng động, sáng tạo.

Năm 2022: Điểm “sáng“ bao trùm

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí MinhLê Thị Huỳnh Mai cho biết, năm 2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước tăng 9,03% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là từ 6-6,5%); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 30,6% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước tăng hơn 171% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt hơn 118% dự toán được giao, tăng hơn 17% so với cùng kỳ.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, điểm “sáng” bao trùm của kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 là kết quả phục hồi kinh tế đạt cao hơn dự kiến, thể hiện qua việc kiểm soát được dịch bệnh, kết quả tăng trưởng, kết quả thu ngân sách nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp và sức mua của người dân. Có được kết quả trên là nhờ sự chủ động của thành phố trong việc hoạch định chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sự năng động, sáng tạo, tinh thần vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân thành phố. Đây là yếu tố quyết định sự phát triển của thành phố, đặc biệt ở thời kỳ khó khăn nhất.

Tuy vậy, trong năm qua, thành phố cũng ghi nhận điểm “xám” là chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, chưa tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, người dân, dẫn đến những tồn đọng lớn nhiều năm vẫn chưa được giải quyết, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Nguồn lực tuy lớn nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, nhiều mặt chưa thông suốt, đặc biệt là vốn đầu tư xã hội chưa được khai thác triệt để, kể cả vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính, của cán bộ, công chức tái xuất hiện, làm đình trệ công việc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Từ nhận diện điểm “sáng” và điểm “xám”, thành phố Hồ Chí Minh đã rút ra bài học, đó là càng khó khăn, càng phải năng động, sáng tạo. Thời gian qua, thành phố đã vượt qua đại dịch Covid-19 và đạt được kết quả bước đầu trong phục hồi kinh tế nhờ tinh thần đó”.

Hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh ngày càng hoàn thiện, hiện đại.

Năm 2023: Chọn mức tăng trưởng cơ bản

Năm 2023 được xem là năm “bản lề” kế hoạch 5 năm (2021-2025) của thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, chính quyền thành phố dồn mọi nguồn lực với kỳ vọng năm 2023 sẽ tạo nội lực đưa thành phố phát triển bứt tốc. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Viện Nghiên cứu phát triển thành phố phân tích, dự báo và đề xuất 3 phương án: Phương án cơ sở, mức tăng trưởng GRDP từ 6,94-8,1%; phương án thuận lợi, mức tăng trưởng GRDP từ 7,52-8,64%; phương án bất lợi, mức tăng trưởng GRDP từ 6,47-7,59%. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà chuyên môn, UBND thành phố đã chọn phương án tăng trưởng cơ bản trong năm 2023, ở mức từ 7,5-8,0%.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, để phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nhiều giải pháp như: Từng sở, ngành, quận, huyện; mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nắm chắc tình hình, làm tốt nhiệm vụ của mình, phối hợp giải quyết công việc hành chính bảo đảm thông suốt, hiệu quả, gắn với đánh giá cán bộ hằng quý, hằng năm, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giao việc, theo dõi kết quả xử lý công việc. Ngay từ đầu năm 2023, thành phố sẽ khởi động kế hoạch chuyển hoạt động của hệ thống hành chính lên nền tảng số, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2025. Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, nâng cao năng lực hấp thụ vốn; khơi thông nguồn vốn, huy động đầu tư xã hội đạt mục tiêu 35%, giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp, trong đó triển khai các khu công nghiệp chuyên đề như công nghiệp điện tử - vi mạch, công nghiệp dược - vật tư y tế, công nghiệp cơ khí - ô tô; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thành phố, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trọng tâm là hỗ trợ chuyển đổi số; tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thành thủ tục đầu tư khu công nghệ cao (giai đoạn 2), mở rộng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, lập mới Khu công nghiệp Phạm Văn Hai; triển khai có hiệu quả bước đầu đề án logistics… Thành phố sẽ chuẩn bị kế hoạch nâng trần đầu tư công trung hạn trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ năm vào tháng 5-2023, qua đó huy động thêm nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm.

Đối với các dự án hạ tầng giao thông, trong năm 2023, thành phố sẽ hoàn thành dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); hoàn thành 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; khởi công đường Vành đai 3; hoàn thành công trình di dời hạ tầng phục vụ khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương); hoàn thành thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước); khởi động các thủ tục xây dựng cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong tháng 12-2022, thành phố quán triệt chương trình hành động của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn thành phố. Trong cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế dịch vụ chiếm trên 60% GRDP; công nghiệp chiếm 22% GRDP. Do đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng để trở thành trung tâm dịch vụ, gắn với kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đến quý IV-2023, thành phố cũng sẽ hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức hết lòng vì nước vì dân sẽ huy động được sức mạnh từ nhân dân, trên dưới một lòng vì mục tiêu chung. Để có được sức mạnh tổng hợp này, thành phố đang xây dựng bộ máy phục vụ nhân dân liêm chính, tận tụy và có hiệu quả để người dân tin yêu. Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố phát huy mọi nguồn lực từ xã hội, thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển thành phố.

Nguyễn Lê