Hậu kiểm sản phẩm OCOP giai đoạn 2018-2020: Gỡ khó cho các chủ thể

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:12, 06/12/2021

(HNM) - Với 1.054 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, Hà Nội là địa phương có số sản phẩm OCOP nhiều nhất so với cả nước. Tuy nhiên, sau khi được chứng nhận, các sản phẩm OCOP phát triển ra sao?... Mới đây, Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội đã “hậu kiểm” các sản phẩm OCOP; qua đó, kịp thời hỗ trợ cho các chủ thể vượt qua khó khăn để phát triển.

Đóng gói sản phẩm OCOP trà chùm ngây Hồng Vân của Hợp tác xã Hoa - cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Thuận lợi đan xen khó khăn

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội (cơ quan chủ trì Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, cùng với việc xem xét các tài liệu, chứng từ, hồ sơ sản phẩm lưu trữ, Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP đã kiểm tra thực tế tại các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã về việc tuân thủ các quy định sử dụng nhãn mác, tem sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và các tiêu chí khác liên quan đến đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số sản phẩm sau khi được công nhận đều duy trì và phát triển tốt hơn.

Về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, hiện sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú (sản phẩm OCOP 4 sao) có đầy đủ hồ sơ minh chứng chất lượng sản phẩm như: Giấy chứng nhận hữu cơ, phiếu kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng; có hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR... Nhờ đó đã tạo được uy tín với người tiêu dùng. Tổng doanh thu sản phẩm OCOP từ đầu năm 2021 đến hết tháng 10 năm 2021 của hợp tác xã là 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cũng cho thấy, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP vẫn còn một số thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Nhãn mác trên sản phẩm của một số đơn vị thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch so với đăng ký; cơ sở sản xuất thiếu biển hiệu; thiếu giấy chứng nhận, hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng hoặc công tác bảo vệ môi trường nơi sản xuất cần được chú trọng hơn...

Nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP duy trì, phát triển được hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cũng còn không ít chủ thể phải dừng sản xuất do không phát triển được thị trường. Ví dụ như: Sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe hương quế” của Công ty cổ phần Dược liệu và thực phẩm Việt Nam (huyện Đan Phượng); sản phẩm “Đậu tương hữu cơ” của Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ); sản phẩm “Trà chanh vàng” của hộ kinh doanh Lê Đình Tuấn (huyện Thanh Trì)... đã phải dừng sản xuất.

Cùng với đó, dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn cho các chủ thể OCOP trong việc tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Hoàng Long cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một thời gian dài các bếp ăn tập thể, hàng quán phải đóng cửa. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhiều thời điểm phải dừng sản xuất.

Thu hoạch sản phẩm OCOP nấm được trồng theo công nghệ cao tại Công ty cổ phần KMS Đầu tư sản xuất và thương mại (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Quang Thái

Hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm

Chủ thể của 2 sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Khang Thịnh (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) Nguyễn Tiến Quân cho biết: “Quá trình sản xuất, kinh doanh, đơn vị gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Tôi mong muốn được thành phố hỗ trợ kết nối với các siêu thị và sàn thương mại điện tử để tạo thêm “đầu ra” cho sản phẩm”.

Còn theo anh Lê Đình Tuấn (huyện Thanh Trì) - chủ thể của 11 sản phẩm OCOP, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực, cơ sở mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt nhận định, một trong những mục tiêu của công tác hậu kiểm các sản phẩm OCOP đã được thành phố Hà Nội công nhận là để giúp các chủ thể OCOP tiếp tục khắc phục hạn chế, hoàn thiện sản phẩm một cách hoàn hảo hơn.

Liên quan đến nguồn vốn phục hồi sản xuất trong trạng thái "bình thường mới", Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, hiện nay, thành phố Hà Nội có rất nhiều kênh cho vay vốn ưu đãi đối với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đơn cử, người dân có thể vay vốn từ Quỹ Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội), Quỹ Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân thành phố Hà Nội), Quỹ của Liên minh Hợp tác xã thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội… Để tiếp cận các nguồn vốn này, chủ thể phải đăng ký qua UBND các quận, huyện, thị xã và đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện vay vốn.

Về việc tháo gỡ khó khăn, tạo “đầu ra” cho sản phẩm, ông Nguyễn Văn Chí thông tin thêm, trong tháng 12-2021, thành phố sẽ tổ chức 4 sự kiện tuần hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng Thủ đô. Tại các sự kiện này, Ban Tổ chức đều mời các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ tới kết nối với người sản xuất sản phẩm OCOP, mở ra các cơ hội hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, để sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt hiệu quả cao trong thực tế thì tinh thần tự giác, trách nhiệm của các chủ thể trong chấp hành, thực thi các quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP là yếu tố mang tính quyết định. Các sản phẩm OCOP phải là niềm tự hào của mỗi chủ thể và của địa phương.

Nguyễn Mai