Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Tầm nhìn và khát vọng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 23/01/2023
“Thước đo“ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là tuyến vành đai kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được triển khai, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại… Bên cạnh đó, tuyến đường cũng sẽ tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố khác trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Với ý nghĩa đó, Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đều khẳng định, đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm quốc gia, cần tập trung thực hiện quyết liệt. Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn với các địa phương liên quan để thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp làm Trưởng ban; các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn với các mốc tiến độ, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông… đến việc khởi công toàn dự án và triển khai từng hạng mục. Tham gia Ban Chỉ đạo còn có lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Ban Chỉ đạo cũng được thành lập đến cấp cơ sở do Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban.
“Đây là dự án đặc biệt quan trọng, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện với quyết tâm cao nhất. Tất cả vì thành công của dự án, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở (nơi có tuyến đường đi qua) mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nội dung nghị quyết của Quốc hội về dự án; tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, chưa có dự án nào mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một chỉ thị, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Việc triển khai thành công dự án chính là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và là uy tín của thành phố.
Trong các cuộc làm việc với các quận, huyện liên quan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đều yêu cầu, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Vành đai 4 phải tính theo ngày chứ không phải tính theo tuần. Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu xử lý, giải quyết các hồ sơ, văn bản liên quan đến dự án trong thời gian 24-48 giờ; khi phát hành các văn bản gửi tới các cơ quan, đơn vị liên quan phải đóng dấu hỏa tốc.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đến nay, các cơ quan, đơn vị liên quan đã lập tức vào cuộc với quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Ngay trong các cuộc họp đầu tiên, Ban Chỉ đạo đã xác định và thống nhất quan điểm, với dự án có khối lượng lớn và nhiều đặc thù như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là “trọng điểm của trọng điểm, then chốt của then chốt” và cần phải triển khai trước một bước. Đây chính là “chìa khóa” quyết định cho sự thành công của dự án.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, đến nay, các cơ quan liên quan đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn với tổng chiều dài 58,2km; hoàn thành điều chỉnh chỉ giới đường đỏ đoạn qua đê Song Phương (huyện Hoài Đức) theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ giới đường đỏ tại nút giao quốc lộ 6 - Vành đai 4 (bổ sung thiết kế nút giao hoa thị hoàn chỉnh). Việc cắm mốc mới trên toàn bộ 58,2km cũng đã được hoàn thành vào giữa tháng 12-2022. Thành phố cũng đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng, đăng tải tham vấn trên trang điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Cường, theo số liệu cập nhật từ các quận, huyện của Hà Nội, tổng diện tích đất phải thu hồi là 746,7ha với 1.006 hộ phải bố trí tái định cư và hơn 15.580 ngôi mộ phải di dời; dự kiến bố trí 12 khu tái định cư với tổng diện tích 388.600m2. Hiện nay, các quận, huyện đã lập xong phương án giải phóng mặt bằng tổng thể, xác định vị trí các khu tái định cư và đã thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư, phấn đấu hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc này vào tháng 6-2023, hoàn thành toàn bộ trong năm 2023.
Là một trong những địa phương đang triển khai khá tốt công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường thông tin, đến nay, huyện đã hoàn thành cắm 698 mốc trên tổng số 15,3km đi qua địa bàn 12 xã với diện tích khoảng 220ha. Cắm mốc đến đâu, chính quyền tổ chức họp với nhân dân đến đó. Nhờ sự tích cực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, dự án đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân và bám sát theo tiến độ của thành phố đề ra.
Không chỉ Hà Nội mà các địa phương liên quan cũng rất quyết tâm. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa bày tỏ: “Dù biết rất khó khăn nhưng tỉnh quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6-2023 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng. Trước mắt, tỉnh Hưng Yên sẽ ứng tiền ngay để phục vụ di dời mồ mả trước dịp 23 tháng Chạp (âm lịch); tập trung điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang, xây dựng khu tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan chuyên môn liên quan, cộng với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, “đại dự án” vành đai liên vùng đang từng bước hiện thực hóa, thể hiện tầm nhìn và khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, thực sự là “đòn bẩy” cho sự phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km. Qua tính toán, diện tích đất cần giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là 1.341ha. Trong đó, Hà Nội phải thu hồi khoảng 741ha, Bắc Ninh thu hồi 326ha và Hưng Yên thu hồi 274ha…