Chủ động để thích ứng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 07/12/2021
Sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực vào cuộc. Kết quả là, trong tháng 11-2021, “bức tranh” của nền kinh tế dần sáng màu. Nổi bật là cả nước đã có 11.902 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 149.861 tỷ đồng, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về số vốn so với tháng 10-2021. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua tăng 22,3%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu, góp phần vào kết quả xuất siêu của 11 tháng là 225 triệu USD...
Song, thực tế cũng cho thấy, vẫn còn nhiều mối lo khi chi phí của nhiều ngành sản xuất đang ngày càng tăng; nguồn nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp chưa ổn định... Nhất là việc xuất hiện biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2 đang tiếp tục đặt nền kinh tế toàn cầu trước những “bài toán” mới chưa định hình được “lời giải”, khiến việc hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó rõ nét, thông suốt. Bởi, chỉ khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh thì doanh nghiệp mới giảm thiểu được rủi ro, đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi, các cấp, ngành cần bám sát thực tiễn, định hướng chính sách, giúp cộng đồng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Liên quan đến vấn đề này, tại phiên bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tổ chức ngày 5-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, các chính sách tổng thể cần tập trung hỗ trợ các ngành, lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi đại dịch, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn đối với các ngành có khả năng tăng trưởng cao với mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, chuyển đổi số, tạo ra tác động lan tỏa…
Đến thời điểm này, rủi ro lớn nhất, khó tính toán nhất vẫn là diễn biến của dịch bệnh. Do đó, điều quan trọng là ban hành những quy định phòng, chống dịch phù hợp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có được phương án “sống chung” với dịch bệnh linh hoạt, hiệu quả. Song song đó, các địa phương cần thường xuyên nắm bắt tình hình, tăng cường đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho những lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam đang có thế mạnh để thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác, củng cố thị phần tại thị trường trong nước để bảo đảm sự ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay cả khi kinh tế thế giới có những biến động bất ổn. Trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp cần xây dựng nhiều “kịch bản”, sẵn sàng phương án ứng phó; chủ động tìm kiếm cơ hội, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp...
Chỉ khi các bộ, ngành, địa phương và mỗi doanh nghiệp cùng chủ động để thích ứng, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mới phục hồi hiệu quả, góp phần cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”.