Cẩn trọng khi mua trái cây nhập khẩu

Xã hội - Ngày đăng : 06:10, 07/12/2021

(HNM) - Hiện nay, hoa quả nhập khẩu được bán rộng rãi trên thị trường, nhất là tại các chợ dân sinh và trên mạng xã hội. Tuy nhiên, giá cả một số loại rẻ hơn nhiều so với các siêu thị và cửa hàng kinh doanh trái cây nhập khẩu, trong khi tem nhãn được dán… vô tội vạ. Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng.

Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ khi mua trái cây nhập khẩu tại các chợ dân sinh, sạp hàng.

Giá rẻ, chất lượng thấp

Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, ở bất kỳ sạp hoa quả ngoài chợ, hay gánh hàng rong lề đường đều có thể mua trái cây nhập khẩu. Cụ thể, tại khu vực ngõ 347 Hoàng Quốc Việt, khu vực cổng sau chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) có hàng chục sạp hàng bày bán hoa quả nhập khẩu với các loại táo, lê, nho, cam ngoại… được chất đầy trên kệ với đầy đủ tem mác, giá cả. Cụ thể, quả cam Australia có tem mang nhãn hiệu MFC được dán vào từng quả cam, nhưng quan sát kỹ thì tem dán lại có màu sắc khác nhau. Khi phóng viên hỏi tại sao cùng hãng, cùng chủng loại cam mà có nhiều màu tem thì người bán hàng trả lời là... do cam ở nhiều thùng khác nhau.

Chị Lê Thùy Lan, người dân phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết: "Tôi thường mua hoa quả nhập khẩu ở các siêu thị để sử dụng. Nhưng có một lần nghe theo lời giới thiệu, tôi đã ghé vào sạp hoa quả nhập khẩu gần nhà với ý định mua một ít thì thấy tem nhãn họ dán vào quả táo có nét mờ, đứt gãy, giá lại rẻ hơn 1/3 so với hàng nhập khẩu từng mua ở siêu thị nên tôi từ chối khéo. Kể từ đó, tôi từ bỏ ý định mua hoa quả không rõ nguồn gốc tại các sạp hàng".

Trong khi đó, anh Lê Văn Trường, phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ) thường đến các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu uy tín để mua hàng. Tuy nhiên, do bạn bè mách bảo mua trên mạng có giá rẻ hơn, anh Trường đã đặt mua từ một tài khoản mạng xã hội Facebook quả táo hiệu Envy với giá 80.000 đồng/kg (giá thông thường 140.000-170.000 đồng/kg). Khi ăn, anh Trường thấy miếng táo vừa bở, vừa chua. Nhìn tem dán trên quả táo, anh Trường phát hiện có màu khác với tem trên sản phẩm cùng loại từng mua. “Rút kinh nghiệm, tôi sẽ rất cẩn trọng khi mua trái cây trên mạng”, anh Trường chia sẻ.

Trái cây nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được bày bán tại siêu thị BRGMart (quận Ba Đình).

Cần kiểm tra kỹ khi lựa chọn sản phẩm

Là đơn vị nhập số lượng lớn trái cây bán tại hệ thống các siêu thị BRGMart và MiniMart Haprofood/BRGMart, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, trong đợt mua sắm cao điểm cuối năm, tình trạng hàng trái cây kém chất lượng trà trộn vào thị trường sẽ diễn ra phức tạp hơn. Vì vậy, người tiêu dùng cần kiểm tra các đầu mã số trên trái cây nhập khẩu, chọn loại quả nguyên vẹn, không chọn quả có vỏ ngoài căng bóng bất thường. Đặc biệt, nên lựa chọn các cửa hàng, siêu thị có uy tín và cần tự trang bị thêm cách thức kiểm tra nhanh về hạn sử dụng, chất lượng hoa quả. 

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương) Hồ Tùng Bách lưu ý, người tiêu dùng cần lựa chọn bên bán hàng có thông tin, địa chỉ liên hệ rõ ràng, đầy đủ. Cùng với đó, cần kiểm tra để nắm rõ các thông tin, như: Mô tả về hàng hóa, các điều kiện liên quan đến chính sách đổi trả, phí vận chuyển... Trường hợp giao dịch trực tuyến, khách hàng nên kiểm tra các dấu hiệu cho thấy website, trang tương tác fanpage đã thực hiện thông báo hoặc đăng ký tới cơ quan có thẩm quyền về hoạt động thương mại điện tử.

Ở góc độ chính quyền địa phương, trả lời về việc kiểm tra, kiểm soát các loại hoa quả nhập khẩu trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Lâm Văn Thảo cho biết, UBND phường phối hợp với Phòng Kinh tế quận Cầu Giấy có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu. Tại đây, lực lượng chức năng kiểm tra các hóa đơn theo quy định, nguồn gốc hàng nhập vào và đối chiếu với lượng hoa quả bày bán để kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Dương Mạnh Hùng thông tin, UBND quận thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng, nguồn gốc hoa quả nhập khẩu tại các cửa hàng, chợ trên địa bàn. Nếu cơ sở kinh doanh nào không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn bán hàng thì sẽ lập biên bản, xử phạt nghiêm theo quy định.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các điều kiện theo quy định tại Đề án để được cấp biển nhận diện. Đồng thời, thực hiện tiếp nhận, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đăng tải các bản tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp nhập khẩu trái cây. Đây cũng là căn cứ pháp lý chứng nhận nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nhập khẩu chính hãng.

Kim Vũ