Xem xét các tờ trình về phân cấp nguồn thu và hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn

Kinh tế - Ngày đăng : 14:42, 07/12/2021

(HNMO) - Chiều 7-12, kỳ họp thứ ba HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI tiếp tục làm việc, xem xét một số tờ trình của UBND thành phố và thảo luận tại tổ về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2022.

Các đồng chí Thường trực HĐND thành phố Hà Nội chủ trì kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu thay mặt UBND thành phố trình bày tờ trình về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; quy định định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách năm 2022 của thành phố; tờ trình về tình hình thực hiện ngân sách của thành phố năm 2021; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2022.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn trình bày tờ trình hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố.

Sau khi thư ký kỳ họp trình bày dự thảo Nghị quyết, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố trình bày báo cáo thẩm tra, các đại biểu HĐND thành phố đã tham gia 5 tổ thảo luận về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố năm 2022.

Thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Ngay sau khi xem xét một số tờ trình của UBND thành phố về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2022, các đại biểu HĐND thảo luận ở tổ. Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (Tổ quận Cầu Giấy) cho biết, trong năm qua, dù chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền thành phố, kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn đạt được những kết quả khả quan.

“Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cũng như nguyên nhân khiến 4 chỉ tiêu quan trọng của thành phố không đạt được. Trong đó, cùng với những tác động do dịch Covid-19 thì còn nguyên nhân là do việc xây dựng quy trình thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp chưa hiệu quả. Vì vậy, đề nghị báo cáo làm rõ hơn nội dung về cải cách thủ tục hành chính”, đại biểu kiến nghị.

Còn đại biểu Phùng Tân Nhị (Tổ huyện Ba Vì) cơ bản nhất trí với báo cáo của thành phố Hà Nội về tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nông nghiệp vẫn khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Vì thế, đại biểu kiến nghị thành phố quan tâm chỉ đạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi (đang bị xuống cấp tại nhiều địa phương) để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành Nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Liên quan đến vấn đề đầu tư công, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Tổ huyện Chương Mỹ) kiến nghị thành phố đẩy mạnh đầu tư dự án quốc lộ 6 vì dự án này càng chậm trễ thì càng ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đại biểu cũng kiến nghị thành phố quan tâm đến việc sử dụng nước sạch cho người dân nông thôn, vì trên thực tế đây là một vấn đề khó mà hằng năm địa phương không đạt được kế hoạch thành phố giao.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị thành phố quan tâm đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cơ sở; có cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như khám, chữa bệnh ban đầu.

Quang cảnh kỳ họp.

Thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn (Đại biểu Tổ quận Hai Bà Trưng) cho rằng, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc thực hiện “không Covid-19” là rất khó. Vì thế, thành phố cần sớm có chiến lược để mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, có giải pháp thúc đẩy phát triển khu vực thương mại, du lịch – vì đây là nguồn thu lớn của thành phố.

Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền (Tổ quận Hà Đông) cho biết, dự kiến năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô đạt 2,92%, có được kết quả này là sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ thành phố tới cơ sở. Trong lĩnh vực đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, tỷ lệ giải ngân trong năm 2021 dự báo sẽ đạt trên 50%, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục cải cách thủ tục, theo sát để tháo gỡ kịp thời vướng mắc.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, kỳ họp này, HĐND thành phố chú trọng phát huy trí tuệ của đại biểu để thực hiện đổi mới. Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, HĐND thành phố sẽ tập trung cho hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát dịch hiệu quả.

Ngày mai (8-12), kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Theo kế hoạch, HĐND thành phố thảo luận tại hội trường các nội dung về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách; việc thực hiện kế hoạch đầu tư công...

Cùng với đó, HĐND thành phố sẽ xem xét phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước của thành phố năm 2020; chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố; danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2022…

Bảo Vy - Tuấn Minh - Ảnh: Viết Thành