Phú Quang - Hà Nội ngày trở về…
Giải trí - Ngày đăng : 15:23, 08/12/2021
Nhạc sĩ từng kể rằng, khi ông sinh ra, cả gia đình rời Hà Nội tản cư lên Phú Thọ theo kháng chiến. Mãi đến khi được 3 tháng, ông mới có giấy khai sinh và tờ giấy ấy ghi ngày làm giấy khai sinh (13-10-1949) chứ không phải ngày sinh thật. Năm 1954, cả gia đình ông lại trở về Hà Nội. Cha, mẹ, anh trai là những người đã nhen nhóm và thổi bùng tình yêu âm nhạc trong ông. Ông từng học trung cấp kèn corno, làm nhạc công kèn corno trong nhiều dàn nhạc. Nhưng năm 23 tuổi, ông bị tai nạn, khâu 13 mũi ở môi nên phải từ giã nghề kèn và chọn con đường sáng tác…
Nhạc sĩ Phú Quang là một tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam. Ông sáng tác khoảng hơn 600 tác phẩm, nhiều thể loại, ngoài ca khúc còn có giao hưởng, độc tấu nhạc cụ, nhạc múa, nhạc xiếc, nhạc sân khấu, nhạc phim, rồi chèo, bài chòi, cải lương…
Nhưng nổi bật nhất là các ca khúc về Hà Nội. Ông xứng đáng là một tượng đài bất hủ với những bài hát rung động, thổn thức nhất về mảnh đất này. Có thể kể ra những ca khúc nổi tiếng, được yêu mến và thể hiện rõ chân dung âm nhạc của Phú Quang như: “Em ơi! Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Về lại phố xưa”, “Khúc mưa”, “Khúc mùa thu”, “Tình khúc 24”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”…
Nhạc sĩ Phú Quang có một quãng thời gian dài xa Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc (từ năm 1986 đến 2008). Những năm tháng đó ông kể rằng, người ở phương Nam nhưng tâm hồn luôn hướng về Hà Nội, đau đáu, nhớ thương. Chính vì vậy, ông viết nhiều ca khúc thể hiện đúng tâm trạng của những người yêu và nhớ thương Hà Nội đến thế.
Nhưng, những ca khúc vẫn chưa đủ. Năm 2008, ông trở về Thủ đô để sống và gắn bó, xây dựng nên những chương trình âm nhạc trở thành thương hiệu của Hà Nội. Mỗi năm, nhạc sĩ Phú Quang tổ chức đều đặn 2 chương trình, một vào tháng 3 dành tặng phụ nữ và một vào tháng 10 - thời điểm “Hà Nội đẹp mơ màng và kiêu kỳ” (như lời của ông).
Những đêm nhạc “Hà Nội ngày trở về”, “Tháng ba cho em cơn mưa chiều nắng nhạt”, “Những nẻo đường anh đã đi qua”, “Khi mùa thu đến”, “Rồi mùa đông sẽ qua”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Cho những ngày thu muộn”, “Dương cầm lạnh và phố cũ của tôi”, “Trong miền ký ức”, “Trong ánh chớp số phận”… do ông tự làm tất cả, từ chọn ca khúc, đặt tên, chọn ca sĩ, đến hòa âm, phối khí, chỉ huy dàn nhạc… Chúng đều là tâm huyết, tình yêu và nỗi niềm của Phú Quang dành cho Thủ đô.
Biết tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội ngậm ngùi: “Đây là một mất mát lớn cho âm nhạc Hà Nội nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung”. Ông kể, Hội Âm nhạc Hà Nội đang chuẩn bị chương trình “Tình yêu Hà Nội” năm 2021 tôn vinh nhạc sĩ Phú Quang và những tác phẩm viết về Hà Nội của ông. Tuy chương trình chưa diễn ra nhưng nhạc sĩ đã biết đến. Đây là niềm an ủi và thể hiện tấm lòng của đồng nghiệp, công chúng với vị nhạc sĩ tài hoa này.
Trang Facebook chính thức của nhạc sĩ Phú Quang đăng tải câu hát trong bài “Lời rêu” của ông: “Ngày mai ta bỏ đi/Trần gian xin trả lại…”. Đọc dòng chữ ấy, hẳn mỗi người đều cảm nhận, nhạc sĩ đã sẵn sàng cho một chuyến đi xa. Vì thế, những năm cuối đời, dù bệnh tật triền miên, ông vẫn cống hiến hết sức để trả lại trần gian nhiều nhất có thể.
Trong cuốn tự truyện “Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức chợt hiện”, nhạc sĩ Phú Quang lý giải: “Tôi hiểu sâu sắc một điều, những tình cảm mà khán giả dành cho tôi chính là điều lớn lao nhất mang lại cho tôi niềm tin và tình yêu với cuộc sống này, để tôi có thể vững bước vượt qua nhiều bão giông bất ngờ và để tôi có một tâm thế thanh thản bước đi trên con đường mình đã chọn”.
Và thế là, giờ đây, “Anh biết ra đi nhẹ gọn/Để bớt cho đời một chút gió lao xao/Và tránh cho em bớt một lời chào!” (“Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”). Những “nhẹ gọn” mà nhạc sĩ để lại cho Hà Nội, cho đời sống âm nhạc hôm nay luôn ngân mãi, thấm sâu vào mỗi người, để ai cũng thấy mình được trở về khi hát và nghe nhạc của ông!