Thành phố Hồ Chí Minh: Cần cơ chế đặc thù để Thủ Đức bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 08/12/2021

(HNM) - Sau gần một năm thành lập, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) đang từng bước chuyển mình. Tuy nhiên, khi đã qua bước "chạy đà", thành phố Thủ Đức cần có sự phát triển đột phá, xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân thành phố cũng như cả nước. Để sự bứt tốc được cao và bền vững, cơ chế, chính sách đặc thù giữ vai trò quyết định.

Cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ là một thế mạnh để thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) phát triển đột phá.

Cực tăng trưởng mới

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sau 35 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại. Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh nhận định, một trong những nguyên nhân là các mô hình phát triển cũ đã không còn hoàn toàn phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của thành phố hiện nay. Khi đề xuất thành lập thành phố Thủ Đức, Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng thành phố Thủ Đức sẽ trở thành động lực phát triển, cực tăng trưởng mới của thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ sở cho cực tăng trưởng này có thể thấy rõ khi thành phố Thủ Đức có Khu công nghệ cao với vốn đầu tư 7 tỷ USD; Khu đô thị mới Thủ Thiêm - thuận lợi cho xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học khác với quy mô 100.000 sinh viên; cảng Cát Lái, nơi tiếp nhận container lớn nhất Việt Nam... Nếu phát triển đúng như kỳ vọng, Thủ Đức sẽ đóng góp tới 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Sau gần một năm được thành lập, thành phố Thủ Đức đang từng bước “thay da, đổi thịt”, kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội. Ông Trần Hữu Phong, một người dân sống tại phường Cát Lái cho biết, hiện thành phố Thủ Đức như một công trường xây dựng khẩn trương và nhộn nhịp. “Với tốc độ xây dựng như hiện nay, tôi tin thành phố Thủ Đức sớm có diện mạo hoàn toàn mới, hiện đại, văn minh hơn”, ông Trần Hữu Phong chia sẻ.

Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng thông tin, thành phố Thủ Đức sẽ phát triển dựa trên nền tảng kinh tế tri thức thông qua đổi mới sáng tạo, qua đó sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn. “Với nền tảng đô thị đã được phát triển qua thời gian dài, mục tiêu quan trọng đặt ra trong thời gian tới là chỉnh trang đô thị, cải thiện đời sống người dân tại các khu vực hiện hữu song song với phát triển các khu vực mới”, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Cần cơ chế đặc thù

Thành phố Thủ Đức là “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên, cơ chế áp dụng cho thành phố hiện giống như một đơn vị hành chính cấp huyện. Trong khi đó, theo kỳ vọng, mô hình của thành phố Thủ Đức cần có cơ chế đặc thù để phát triển. Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, thành phố Thủ Đức đã có yếu tố về con người và cơ sở hạ tầng, chỉ còn thiếu “cơ chế đặc thù” để phát triển bứt phá.

Theo Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu, để đưa thành phố Thủ Đức phát triển đột phá, sắp tới UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành một số cơ chế vượt trội so với trước đây; qua đó, tạo hành lang pháp lý để thành phố Thủ Đức có thêm nguồn lực phát triển. Với tầm nhìn, chiến lược căn cơ hơn, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch xây dựng “Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức” (gọi tắt là đề án) nhằm nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù ngoài thẩm quyền của UBND thành phố.

Theo đề án, thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào chính sách về nguồn nhân lực, tài chính, ngân sách, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, quy hoạch và hạ tầng đô thị... nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho thành phố Thủ Đức phát triển. Thực hiện kế hoạch, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao các sở, ngành đánh giá thực trạng phát triển của thành phố Thủ Đức; từ đó, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới. Dự kiến, UBND thành phố sẽ trình Chính phủ đề án trước ngày 30-4-2022.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, song song với việc xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức, năm 2022, thành phố sẽ quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết chuyên đề của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Thủ Đức; trong đó, tiếp tục hoàn thiện đề án phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trọng Ngôn