Trình Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật
Chính trị - Ngày đăng : 12:29, 08/12/2021
Phân cấp, phân quyền cho đơn vị, địa phương
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo luật gồm 10 điều, gồm 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Đối với Luật Đầu tư công, sửa đổi theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Luật Đầu tư sửa đổi thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Sửa đổi Luật Đấu thầu quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực theo hướng “Nhà nước độc quyền trong vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng” và “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ”.
Luật Doanh nghiệp bổ sung quy định “Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2, Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung theo hướng giảm từ 5% đến 12% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
Về sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: Trường hợp bản án, quyết định tuyến kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.
Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của dự án luật
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, Thường trực các Ủy ban nhận thấy, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật tương đối rộng với các nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về căn cứ của việc ban hành một luật để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều luật; tính cấp thiết, cấp bách, có tác động ngay của từng nội dung sửa đổi, bổ sung, có thể thực hiện được ngay, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội ngay tại kỳ họp không thường kỳ của Quốc hội.
Cho ý kiến vào nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, với cách thức, nội dung được chuẩn bị của dự thảo luật, khả năng trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp không thường kỳ là khả thi.
“Một luật sửa nhiều luật là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến hệ thống pháp luật. Lần này rà soát mà có những nội dung cấp bách không đưa vào thì sẽ không còn cơ hội sửa đổi”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thêm những vấn đề có tính nguyên tắc khi xây dựng dự án luật. Trong đó, dự án luật được xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn, chỉ xem xét những nội dung cấp bách, cấp thiết, đã được đánh giá tương đối đầy đủ về tác động.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị rà soát kỹ các chính sách trong từng dự án luật sửa đổi, bổ sung; những vấn đề lớn, phức tạp, chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì chưa đưa vào dự án luật này. Công tác chuẩn bị phải khẩn trương, khoa học; đồng thời, điều khoản chuyển tiếp cũng phải được quy định chặt chẽ.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu một nghị định quy định chi tiết cho nhiều luật, không nên sửa 8 luật thì ban hành 8 nghị định”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện thêm một bước nữa dự án luật để bảo đảm tính thuyết phục trước khi trình Quốc hội. Bên cạnh đó, do đây là dự án luật có quy mô rộng lớn, ảnh hưởng nhiều quy định trong hệ thống pháp luật, vì vậy Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đến các khía cạnh luật sẽ sửa đổi, bổ sung.
Thảo luận về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật, đồng thời, xin ý kiến Bộ Chính trị chi tiết một số vấn đề như doanh nghiệp quốc phòng - an ninh, thuế tiêu thụ đặc biệt, phân cấp một số quy định cho đơn vị, địa phương...
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương ban hành luật nêu trên; nhất trí trình Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định về dự án luật theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp không thường kỳ của Quốc hội; riêng nội dung về một số vấn đề về kinh doanh trên không gian mạng chưa đủ điều kiện để thông qua nên chưa đưa vào dự thảo luật.
Tại phiên họp, 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua việc dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp không thường kỳ theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời, bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.