Bảo đảm hài hòa

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 09/12/2021

(HNM) - Thành phố Hà Nội có 70% diện tích tự nhiên là khu vực nông thôn. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi thiếu các quy định, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng nên cấu trúc không gian nông thôn bị thay đổi nhanh và không có khả năng kiểm soát.

Điều này dẫn đến những công trình có giá trị về kiến trúc hay rộng hơn là cấu trúc làng, xã có giá trị như di sản dần bị phá vỡ, mất đi. Các yếu tố văn hóa truyền thống vì thế cũng mai một dần. Đặc biệt, ở các làng, xã ven đô, nhất là những địa phương có kế hoạch trở thành quận, nhà tầng, nhà lô được xây dựng thay thế nhà truyền thống hình thành nên những tuyến “phố làng”. Các công trình xây dựng tự phát không được kiểm soát thông qua cấp phép xây dựng hay thiết kế kiến trúc cảnh quan nên tất yếu làm cho diện mạo nông thôn lộn xộn, pha tạp, thiếu bản sắc; đồng thời làm gia tăng áp lực dân số, hạ tầng và môi trường.

Thực tế, kiến trúc nông thôn đang bị bỏ quên ở cả hai vấn đề bảo tồn và phát triển. Đề án phát triển nông thôn mới dường như chỉ tập trung vào những chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, mà quên cái cốt lõi là cấu trúc làng, không gian làng. Không có quy hoạch, không có hướng dẫn, cộng với những tác động từ gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa, người dân sẽ mạnh ai nấy làm, hạ tầng trở nên quá tải. Và không xa, nông thôn cũng phải đối mặt với những vấn đề mà đô thị đang gặp phải.

Theo các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, dự báo trước sự phát triển để đưa ra các giải pháp quy hoạch và định hướng cho việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan là việc cần thiết, để tránh làm mất đi những giá trị di sản, bản sắc kiến trúc cảnh quan hiện có nhưng đồng thời vẫn phát triển theo hướng bền vững. Vì thế, việc nghiên cứu khung kiến trúc, giải pháp quản lý quy hoạch, xây dựng tại khu vực ngoại thành cần phải được đẩy sớm, bởi đây là nền tảng, là cơ sở quan trọng cho công tác quản lý, hướng dẫn người dân thực hiện. Nhất là với khu vực theo quy hoạch sẽ trở thành phường cần phải thay đổi ngay cách quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa trong thời gian gần.

Đã có nhiều đề xuất về kiến trúc nông thôn như ưu tiên tạo không gian cảnh quan xanh, tránh mô phỏng hoàn toàn hình thái đô thị; tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị nông thôn…, song cần phải hiểu thêm kiến trúc nông thôn còn là vấn đề lớn liên quan đến nhiều yếu tố khác, không thể tách rời các vấn đề xã hội, phong tục, tập quán. Vì thế, cần phải khai thác được các giá trị đặc trưng của mỗi vùng tạo thành không gian cảnh quan hấp dẫn. Để có lời giải cho kiến trúc nông thôn, cũng có nghĩa là phải giải bài toán kinh tế - xã hội, sinh kế, cuộc sống của người dân.

Ngoài giới chuyên môn, gìn giữ, phát triển kiến trúc nông thôn không thể thiếu sự chung tay của các cấp chính quyền và người dân. Mô hình làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là một ví dụ khi người dân hiểu được giá trị di sản và chung tay cùng chính quyền gìn giữ di sản kiến trúc. Phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hay đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cũng là điều kiện để kiến trúc nông thôn đàng hoàng, quy củ hơn.

Đô thị hóa là quá trình tất yếu, không thể chối bỏ. Mặt khác, cũng không thể cố giữ nguyên mô hình nông thôn lạc hậu để bảo tồn truyền thống. Vì vậy, cách tốt nhất là hoạch định chính sách để bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, để kiến trúc nông thôn vừa hiện đại, mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa vốn có.

Gia Khánh