''Không thiết yếu'' trong lòng mình

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:27, 09/12/2021

(HNMCT) - Đầu tuần, ngày càng có nhiều thông tin về việc các địa phương ở Thủ đô có thể xem xét tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn để quyết định tạm dừng các hoạt động không thiết yếu hoặc không. Có nghĩa là tùy từng thời điểm và tình hình dịch mà chính quyền địa phương có thể đưa ra biện pháp tạm dừng hoạt động không thiết yếu. Việc chẳng đặng đừng, dù gây bí bách thì cũng khó có thể né tránh, nhằm hạn chế sự lây lan đến mức không thể khống chế.

Thông tin về giải pháp dự kiến xuất hiện trong bối cảnh thành phố Hà Nội không chỉ có vùng xanh, hiện đã có những vùng vàng, và có thể sẽ xuất hiện nhiều vùng da cam, thậm chí là vùng đỏ nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn tiến triển theo chiều hướng bất lợi như những ngày qua. Không thể không lo lắng bởi hằng ngày, đi qua phố quen, mỗi lúc lại thấy xuất hiện thêm những nhà, những dãy nhà thuộc diện cần phong tỏa. Có người sáng ra đi làm, chiều về đã không thể tự do vào nhà mình được nữa bởi khu vực họ ở xuất hiện F0, cần giãn cách.

Nhà nước định danh "hoạt động không thiết yếu" làm cơ sở cho việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Nhà hàng, quán ăn, cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp, karaoke, hoạt động thể thao ngoài trời có nhiều người tham gia... có thể phải tạm ngừng hoạt động để phục vụ yêu cầu giãn cách phòng dịch. Nhưng mỗi người trong chúng ta cũng có dạng “hoạt động không thiết yếu” của riêng mình. Tính không thiết yếu của nhà này khác với nhà kia, của người này không giống với người khác mà chỉ người trong cuộc mới rõ.

Tuần trước, một chủ quán trà chén ở gần nhà tôi quyết định phục vụ khách hàng trở lại, bởi “không trụ được nữa”. Chị bán hàng trước cửa nhà, chồng chạy taxi, thu nhập cũng đủ nuôi hai con ăn học. Hai năm Covid-19 tàn phá, khoản tiết kiệm “theo gió mà bay" nên phải mở hàng dù trong lòng lo ngay ngáy. Với gia đình chị, việc mở quán nhỏ mang tính thiết yếu dù theo quy định chung thì không phải như vậy. Nếu có lệnh dừng hoạt động kinh doanh không thiết yếu từ chính quyền thành phố hay quận, phường, chị nói mình sẽ chấp hành nghiêm dù trong lòng không muốn đóng cửa một ngày nào nữa.

Hôm Hà Nội có hơn 400 ca mắc mới chỉ trong 24 giờ, khu tôi ở có chuyện hai vợ chồng to tiếng với nhau. Chị vợ buôn bán tự do, thời gian qua ở nhà là chính, giao dịch với khách qua mạng và thuê người ship hàng là xong. Người chồng làm ở một đơn vị truyền thông, “đi tối ngày” dù công việc không bắt anh phải thế. Số ca mắc SARS-CoV-2 tăng vọt, chị vợ lo quá nên chất vấn chồng, thế là to tiếng đến mức hàng xóm phải can thiệp... Ở đây rõ ràng có chuyện liên quan tới nhận thức của từng người trong từng nhà về thế nào là “thiết yếu”, thế nào là “không thiết yếu”, thế nào là cần thiết phải ra đường hoặc không...

Người Hà Nội những ngày này nhìn chung không hoảng hốt dù số F0 tăng cao. Nhiều người tin rằng những ai đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ thì nếu chẳng may nhiễm SARS-CoV-2 bệnh cũng không đến nỗi trở nặng, chỉ ít ngày là có thể trở lại với nhịp sống bình thường. Có lẽ bởi tâm lý chủ quan đó nên đường phố vẫn đông, hàng quán nhộn nhịp người vào ra. Ở các điểm đến như cửa hàng ăn uống, thậm chí trung tâm thương mại lớn, việc khai báo thông tin cá nhân ngày càng rời rạc, quy định “5K” không được thực hiện nghiêm mặc dù, theo tôi, đó là “việc thiết yếu”...

Quy định phòng dịch của các cấp chính quyền Hà Nội được đề ra căn cứ vào diễn biến dịch trên địa bàn thành phố. Đó là “khung sườn” cơ bản để cả cộng đồng điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhưng, ngoài những quy định phải tuân thủ đó ra, mỗi người, mỗi nhà cũng cần tự suy xét vấn đề theo hoàn cảnh cụ thể của mình, nhìn ra những việc “thiết yếu” và “không thiết yếu” theo tiêu chí và điều kiện của riêng mình để có quyết định đúng đắn. Nếu như ai cũng hiểu rõ những gì cần và không cần, nên và không nên, từ đó điều chỉnh hành vi, hoạt động phù hợp, chắc chắn người Hà Nội sẽ không đến mức phải lo ngay ngáy mỗi ngày.

Hoàng Lê