Tăng huy động vốn để cho vay tiêu dùng
Tài chính - Ngày đăng : 06:19, 09/12/2021
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 3-2021 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp, không tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí trong tháng 9 giảm tới gần 1.500 tỷ đồng so với cuối tháng 8-2021, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng. Do đó, để có đủ nguồn vốn cho mùa cao điểm vay cuối năm, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng 0,1-0,5%/năm tùy theo kỳ hạn.
Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) có chương trình "iPay liền tay - Ưu đãi mê say". Theo đó, 2.000 khách hàng đầu tiên mỗi tháng gửi tiền tiết kiệm trên ứng dụng VietinBank iPay Mobile lần đầu được cộng thêm lãi suất 0,3-0,4%/năm tùy kỳ hạn gửi. Với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống được cộng lãi suất 0,3% với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng; cộng lãi suất 0,4%/năm với khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng... Tương tự, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến ở một số kỳ hạn đã tăng 0,4-0,8%/năm.
Đại diện các ngân hàng đều cho biết, ngoài lý do tăng lãi suất huy động để thu hút vốn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn tăng vào cuối năm, đặc biệt là nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, ngân hàng tăng lãi suất để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, một số ngân hàng cũng kết hợp với các nhà bán lẻ để đưa ra các gói tiêu dùng lãi suất 0%, hay miễn lãi trong một vài tháng đầu. Đồng thời, cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, nhằm đơn giản thủ tục cho vay. Theo các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng muốn thúc đẩy cho vay tiêu dùng để phân tán rủi ro bởi những khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ hơn so với các khoản vay của doanh nghiệp. Đồng thời, các gói vay này cũng thường đi kèm với tài sản bảo đảm là nhà đất hoặc xe ô tô được mua bằng tiền vay, giúp giảm rủi ro nợ xấu.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Toàn Vượng chia sẻ, Agribank xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng. Đồng thời, Agribank cũng dành 20.000 tỷ đồng để cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi 6,5-7%/năm với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng và thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi là 12 tháng kể từ ngày giải ngân.
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, trong đó chú trọng đến hoạt động cho vay tiêu dùng, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của người dân. Theo lãnh đạo BIDV, dư nợ cho vay tiêu dùng của BIDV tính đến nay chiếm khoảng 45% tổng dư nợ của khách hàng cá nhân, chủ yếu là cho vay mua nhà ở (chiếm 32% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân); còn lại là cho vay tiêu dùng.
Theo Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Phạm Thị Thanh Tùng, ngành Ngân hàng luôn chủ động đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tính đến ngày 19-11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020, trong đó, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% dư nợ nền kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, việc các ngân hàng đẩy mạnh nhiều chương trình cho vay tiêu dùng cũng góp phần đẩy lùi "tín dụng đen", giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống thuận lợi hơn. “Đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của các tổ chức tín dụng. Nếu cho vay và quản lý cho vay tốt, hiệu quả, không để xảy ra rủi ro thì đây sẽ là thị trường, xu hướng phát triển của các tổ chức tín dụng”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.