Giải pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai
Chính trị - Ngày đăng : 12:24, 09/12/2021
Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố, đại diện các sở, ban, ngành của thành phố.
Thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo bằng hình ảnh về tình hình triển khai một số dự án trên địa bàn thành phố, Thường trực HĐND thành phố khẳng định, đến nay, trên địa bàn thành phố đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD. Năm 2020, thành phố Hà Nội đứng thứ ba cả nước với số vốn là 3,83 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD.
Đặc biệt, tại 4 hội nghị "Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển" vào các năm 2016, 2017, 2018, 2020, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, số vốn hơn 548.800 tỷ đồng. Cũng tại 4 hội nghị trên đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 44 dự án, số vốn hơn 274.500 tỷ đồng. Thành phố đã ghi nhận đề xuất đầu tư 19 dự án với tổng vốn đầu tư 103.888 tỷ đồng; ký kết 70 biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 35 tỷ USD.
Mặc dù thành phố đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, song Thường trực HĐND thành phố nhận định, vẫn còn nhiều dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thành lập cụm công nghiệp triển khai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Cụ thể, mới có 51/206 dự án trao quyết định chủ trương đầu tư hoàn thành. Tỷ lệ các biên bản ghi nhớ ký kết trong các hội nghị được hiện thực hóa thành các dự án đầu tư còn ít, hiện nay có 54/104 biên bản chưa được thực hiện. Cụ thể, theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ có 17 khu xử lý chất thải. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải Xuân Sơn là đang hoạt động. Nhiều dự án xử lý chất thải đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc là đã dừng, hoặc chậm triển khai.
Với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành “thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực”, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn coi thu hút đầu tư là chiến lược lâu dài, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng thiết yếu phục vụ an sinh xã hội. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm phát triển, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đầu tư các công trình trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ
Tại kỳ họp, các đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ huyện Đông Anh), Lê Vĩnh Sơn (tổ huyện Mỹ Đức), Vũ Mạnh Hải (tổ huyện Thường Tín) chất vấn Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Các đại biểu cho rằng, Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết, thực hiện chậm, vậy giải pháp thời gian tới như thế nào? Thực tế, việc đầu tư các công trình trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ, trong đó nhiều dự án đầu tư công thuộc công trình trọng điểm của thành phố. Trong khi các dự án này luôn được ưu tiên bố trí vốn, nhưng thực tế thực hiện không đạt yêu cầu? Sở Kế hoạch và Đầu tư cần nêu nguyên nhân, giải pháp thời gian tới của thành phố?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về nguyên nhân nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được ký kết thời gian qua nhưng việc triển khai còn chậm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư từ năm 2016 đến 2020, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, số vốn hơn 548.800 tỷ đồng. Cũng tại 4 hội nghị đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 44 dự án, số vốn hơn 274.500 tỷ đồng.
Ông Đỗ Anh Tuấn cho rằng, việc triển khai các dự án còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó liên quan đến những thay đổi của Luật Đầu tư năm 2020 với nhiều quy định mới. Trên cơ sở đó, nhiều dự án của thành phố phải được rà soát lại toàn bộ trình tự, thủ tục pháp lý. Trong quá trình thực hiện, nhiều dự án còn vi phạm của các nhà đầu tư liên quan đến đất đai, phòng cháy, chữa cháy, bảo hiểm xã hội… Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, sở, ngành liên quan để giải quyết những vướng mắc. Trong đó có cả trách nhiệm của các sở, ngành liên quan trong việc đôn đốc, hướng dẫn cũng giám sát các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện các dự án.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến công tác giải ngân đầu tư công của thành phố còn chậm khi đến nay mới chỉ đạt hơn 51% so với chỉ tiêu 83% của Chính phủ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, Sở đã cùng với 5 ban quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố cùng với 30 quận, huyện, thị xã được giao vốn đầu tư đã cam kết với thành phố tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu và thanh toán khối lượng cho từng dự án để hoàn thành tiến độ, kế hoạch thành phố giao là 93,6%.
“Sở cũng đã tham mưu với UBND thành phố sớm ban hành chỉ thị về tăng cường công tác giải ngân đầu tư công, qua đó Sở sẽ công bố những đơn vị giải ngân chậm. Cụ thể, chúng tôi sẽ nêu tên các dự án, địa chỉ từng đơn vị giải ngân chậm để đẩy mạnh công tác này. Đồng thời, kiên quyết thu hồi giấy phép của các dự án chậm tiến độ”, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Vẫn khó xử lý dự án vi phạm về đất đai
Các đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ huyện Phú Xuyên), Duy Hoàng Dương (tổ huyện Hoài Đức), Nguyễn Minh Đức (tổ quận Hoàng Mai) cho rằng, những năm qua, HĐND thành phố đã giám sát, tổ chức giải trình về các dự án vốn ngoài ngân sách nhà chậm triển khai, UBND thành phố cũng đã có kế hoạch khắc phục, nhưng tiến độ thực hiện các kiến nghị giám sát còn chậm, thời gian tới cần có giải pháp quyết tâm từ phía ngành Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội. Đặc biệt, đại biểu cũng đề nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội báo cáo rõ tiến độ thực hiện kế hoạch của UBND thành phố trong khắc phục dự án chậm triển khai? Cần làm rõ vai trò của đơn vị chủ trì được UBND thành phố giao?
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường thừa nhận, dù có nhiều cố gắng của ngành, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Trong số 379 dự án chậm triển khai theo báo cáo giám sát của HĐND thành phố, trong đó 30 dự án kiến nghị thu hồi, đến nay mới thu hồi 10 dự án.
Thực tế chậm có nhiều vướng mắc, nguyên nhân khách quan do chính sách về đất đai có thay đổi, một số dự án chờ rà soát quy hoạch chung phân khu và tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng tiến độ. Nguyên nhân chủ quan, nhận thức, ý thức chấp hành về đất đai của một số chủ đầu tư hạn chế; nhiều chủ đầu tư không phối hợp với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng và cố tình chây ỳ, để không phải nộp nghĩa vụ tài chính. Cùng với đó, sự phối hợp của các sở, ngành trong thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư chưa đồng bộ, hiệu quả…
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với các địa phương thực hiện các kiến nghị của HĐND thành phố và kế hoạch của UBND thành phố trong khắc phục, xử lý các dự án chậm triển khai; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư, rõ trách nhiệm trong thẩm định các dự án ngay từ khâu ban đầu. Sở sẽ tham mưu thành phố kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra về dự án chậm triển khai.
Tiếp thu, giải trình thêm về lĩnh vực dự án đầu tư chậm triển khai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố thời gian qua, trong đó có 61 dự án trên địa bàn huyện Mê Linh.
Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng này là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, trong khi năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì thế, thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể từng dự án, với tinh thần những dự án nào liên quan đến các quận, huyện, thị xã thì thành phố sẽ tập trung tháo gỡ để sớm triển khai thực hiện. Đối với những dự án mà nguyên nhân là do chủ đầu tư thì thành phố kiên quyết thu hồi. “Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, đề nghị các địa phương báo cáo thành phố để sớm có phương án giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo trung ương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, đồng chí Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.
Cũng tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ quận Hoàng Mai) liên quan đến 3 dự án chậm tiến độ của quận Hoàng Mai.
Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn về các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đại biểu thảo luận sôi nổi, đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn nhưng trọng tâm, thể hiện được sự quan tâm của cử tri Thủ đô, đúng tinh thần đổi mới trong chất vấn. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố trả lời chi tiết, cụ thể thêm các dự án chậm triển khai mà đại biểu, cử tri quan tâm.