Gần dân và vì dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 10/12/2021
Ứng dụng “Chính quyền điện tử” qua mạng xã hội ở nhiều địa phương đã giúp cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công thuận tiện hơn, hạn chế tối đa việc doanh nghiệp và người dân phải trực tiếp đến tận công sở khi giải quyết thủ tục hành chính. Cũng trên những ứng dụng nhiều tiện ích này, các ý kiến góp ý, phản hồi của người dân, doanh nghiệp được cơ quan quản lý tiếp nhận, xem xét hoàn thiện quy trình nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 thì ứng dụng “Chính quyền điện tử” qua mạng xã hội càng chứng tỏ tính ưu việt.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Quá trình triển khai ứng dụng “Chính quyền điện tử” cơ bản vẫn là tự phát; một bộ phận cán bộ (nhất là người đứng đầu) các ngành, các cấp chưa nhìn nhận đúng vai trò của xây dựng chính quyền điện tử nói chung và triển khai ứng dụng này trên mạng xã hội nói riêng nên ngại thay đổi tác phong công tác, điều hành, nhất là việc nắm bắt thông tin từ người dân qua mạng xã hội. Vì thế, việc quản trị nội dung cũng như xây dựng cơ chế thông tin, hỗ trợ nguồn lực triển khai “Chính quyền điện tử” qua mạng xã hội hầu như còn là "trận địa bỏ trống”.
Trước tình hình trên, để đẩy mạnh ứng dụng “Chính quyền điện tử” qua mạng xã hội, việc cần làm đầu tiên với cơ quan, đơn vị đang vận hành mô hình này là cần chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân. Việc này cũng nhằm tạo niềm tin cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp khi tiếp cận các thông tin do chính quyền cung cấp qua mạng xã hội. Muốn vậy, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của thành phố cần nghiên cứu sớm ban hành cẩm nang về kỹ năng sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin, tập huấn cho cán bộ quản trị mạng xã hội ở cơ sở. Cùng với đó là hướng dẫn cách nắm bắt thông tin, truyền đạt thông tin trên mạng xã hội, tránh để lộ lọt những thông tin mật.
Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, cần thay đổi kỹ năng điều hành, quản trị, nắm bắt dư luận qua mạng xã hội và chú trọng hơn đến lĩnh vực này. Qua đó, tạo điều kiện cho cấp dưới mạnh dạn sử dụng tiện ích của mạng xã hội trong công việc; làm cho các hoạt động của cơ quan, đơn vị mình trở nên công khai, minh bạch hơn, không còn "góc khuất" cho tiêu cực, nhũng nhiễu nảy sinh.
Cán bộ, công chức được giao quản trị ứng dụng “Chính quyền điện tử” trên mạng xã hội của cơ quan, đơn vị cũng cần thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là quy chế phát ngôn, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… để hiệu quả công việc được tốt hơn; đồng thời, chủ động đấu tranh phản bác với những thông tin sai lệch về tình hình của đơn vị, địa phương.
Đối với người dân, khi phản ánh, tiếp nhận thông tin từ ứng dụng “Chính quyền điện tử” qua mạng xã hội cần tuân thủ nguyên tắc ứng xử có văn hóa, tránh những bình luận, phản ánh thiếu trung thực, khách quan; tích cực ủng hộ và giới thiệu những tiện ích của ứng dụng tới người thân, cộng đồng để cùng theo dõi, sử dụng.
Phát triển mô hình “Chính quyền điện tử” qua mạng xã hội cũng chính là tham gia chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng một chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.