Triển khai ứng dụng ''Chính quyền điện tử'' trên mạng xã hội: Nâng hiệu quả quản lý, điều hành
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:10, 10/12/2021
Nhiều tiện ích rõ ràng
Sau 2 năm UBND huyện Hoài Đức triển khai ứng dụng Zalo “Chính quyền điện tử huyện Hoài Đức” để thực hiện các thủ tục hành chính và thông tin tuyên truyền, đến nay đã có gần 20.000 người theo dõi. Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Thanh cho hay, để có hiệu ứng tốt, UBND huyện đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên ứng dụng Zalo giúp tổ chức, công dân biết và sử dụng.
Ứng dụng Zalo “Chính quyền điện tử huyện Hoài Đức” có nhiều tiện ích, vừa giúp tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ công mức độ 3, 4 nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời thường xuyên cập nhật các tin tức, hoạt động trên địa bàn huyện. Không chỉ vậy, qua giao diện này, người dân có thể tra cứu văn bản pháp luật hay các thông tin về điện lực, tìm xe buýt, bản tin Covid-19…
Tiếp nối hiệu quả tiện ích trên, đầu năm 2021, UBND xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) cũng thiết lập trang “Chính quyền điện tử xã Cát Quế” trên Zalo. Theo bà Trung Thị Phương Thảo, công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Cát Quế, ứng dụng được xây dựng như một website thu nhỏ, trong đó có thể đăng tải video, hình ảnh, các bài viết, liên kết trực tiếp tới các trang thông tin điện tử, số điện thoại tư vấn hỗ trợ giải đáp thắc mắc… Người dân chỉ cần có điện thoại thông minh cài đặt Zalo và kết nối mạng wifi hoặc 4G là có thể sử dụng dễ dàng.
Cũng nhằm mục đích giúp người dân dễ dàng thực hiện thủ tục hành chính và để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, quận Hoàng Mai đã triển khai trang Fanpage “Mai vàng Kinh Bắc”; huyện Thanh Trì có trang Fanpage “Thanh Trì quê tôi”; huyện Chương Mỹ lập trang Zalo “Chính quyền điện tử huyện Chương Mỹ”… Trong đó, trang “Thanh Trì quê tôi” trung bình mỗi ngày đăng 5-7 bài viết về các hoạt động của địa phương, đồng thời cập nhật thông tin chỉ đạo quan trọng của Trung ương, thành phố, đặc biệt là về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì Hoàng Thị Thu Thủy cho biết: “Các phòng, ban, đoàn thể của huyện cũng có các trang Fanpage riêng, trong đó dẫn lại nhiều nội dung từ trang “Thanh Trì quê tôi” nên sức lan tỏa thông tin rất lớn. Trung bình 1 bài viết có khoảng 3.000 lượt tiếp cận”.
Bà Trần Phương Thanh (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) chia sẻ: "Thông tin từ trang “Thanh Trì quê tôi” rất kịp thời, giúp tôi nhanh chóng cập nhật và yên tâm khi tiếp cận thông tin chính thống”.
Tiếp tục nâng cấp và lan tỏa
Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Thanh, để việc quản lý, vận hành tiện ích có chất lượng, UBND huyện Hoài Đức đã thành lập Tổ biên tập đưa thông tin lên trang Zalo “Chính quyền điện tử huyện Hoài Đức”, gồm 9 thành viên. Trong khi đó, huyện Thanh Trì duy trì khoảng 60 cộng tác viên và 200 tuyên truyền viên ở các khối Đoàn thanh niên, đội ngũ giáo viên ở các trường học… Tất cả các thông tin đăng tải đều được Ban Tuyên giáo Huyện ủy chọn lọc, thẩm định. Mỗi trường học đều có giáo viên tham gia lấy thông tin từ trang “Thanh Trì quê tôi” để truyền tải về nhóm Zalo của trường nên sức lan tỏa rất lớn.
Đặc biệt, nhiều người dân đã tin tưởng tương tác với chủ trang Fanpage về những vấn đề dân sinh trên địa bàn. “Khi nắm thông tin, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn để có phản hồi sớm nhất tới người dân, cũng như trao đổi với chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì Hoàng Thị Thu Thủy thông tin.
Trước hiệu quả từ thực tiễn, hiện các đơn vị đã có kế hoạch nâng cấp, phát triển ứng dụng “Chính quyền điện tử” trên mạng xã hội Zalo, Facebook. Theo đó, huyện Hoài Đức phấn đấu năm 2022 sẽ tăng lên 40.000-60.000 người theo dõi ứng dụng Zalo “Chính quyền điện tử huyện Hoài Đức”. Huyện Thanh Trì cũng sẽ mở rộng thành viên của trang Fanpage “Thanh Trì quê tôi”, đặc biệt là đối tượng người dân.
Tuy nhiên, hiện những cán bộ làm nhiệm vụ duy trì các trang mạng xã hội trên chủ yếu là không chuyên. Như tại UBND xã Cát Quế (huyện Hoài Đức), quản trị trang “Chính quyền điện tử xã Cát Quế” cùng các thành viên trong nhóm biên tập đều là cán bộ, công chức kiêm nhiệm và không có kinh phí hoạt động. “Chúng tôi mong muốn thành phố có sự quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động thiết thực này để mô hình ngày càng có chất lượng, hiệu quả”, bà Trung Thị Phương Thảo, công chức UBND xã Cát Quế chia sẻ.
Ghi nhận cách làm của các đơn vị, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho rằng, với cách làm mới này, chính quyền và tổ chức, cá nhân sẽ có thêm kênh tương tác, giúp tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Điều này cũng tạo tiền đề để đạt mục tiêu thành phố đã đề ra trong Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% tổng số hồ sơ tiếp nhận; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động…