Dự kiến đầu tư 146.990 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
Kinh tế - Ngày đăng : 10:31, 10/12/2021
Nhượng quyền thu phí cao tốc để thu hồi vốn đầu tư công
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư 729km trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng: Giai đoạn 2021-2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%) thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chuyển tiếp giai đoạn 2026-2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%).
Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Thời gian chuẩn bị dự án năm 2021-2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Để bảo đảm tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công theo đúng yêu cầu, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và các quy định pháp luật, Chính phủ sẽ xem xét trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó; trường hợp địa phương không đủ năng lực, kinh nghiệm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch. Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT thời gian qua.
“Bên cạnh đó, theo kế hoạch, dự án cần khoảng 3 năm để khởi công và khoảng 3 năm để thi công, khả năng đến năm 2027 mới hoàn thành. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của dự án”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.
Tránh lặp lại tồn tại, bất cập của dự án trong giai đoạn 2017-2020
Thảo luận về dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhận định, đây là công trình quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần xem xét thêm về dự kiến 2 năm (2022-2023) đền bù giải phóng mặt bằng là khó khả thi khi dự án đường bộ trải dài, trong khi dự án mới chỉ trong giai đoạn tiền khả thi. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sớm các vật liệu xây dựng để san lấp mặt bằng cho đường bộ cao tốc để tránh xảy ra chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp mặt bằng…
Về việc giao địa phương thực hiện đầu tư dự án thành phần, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm nên để Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 100% các dự án thành phần, nguyên nhân do có rất ít các đơn vị xây lắp cầu đường có đủ khả năng thực hiện dự án cao tốc. “Tôi cho rằng, bồi thường giải phóng mặt bằng thì tách cho địa phương làm các dự án riêng lẻ còn việc thực hiện các dự án xây lắp thì nên để Bộ Giao thông Vận tải thực hiện”, đồng chí Nguyễn Phú Cường nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ cần tổng kết kinh nghiệm giai đoạn trước và có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án.
Cho rằng, đường cao tốc của Việt Nam còn khiêm tốn cả về tổng chiều dài và chất lượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần làm rõ dự án đường bộ cao tốc này sẽ giải quyết những hạn chế ở các tuyến quốc lộ song hành như thế nào; bảo đảm sự hợp lý, khoa học, đồng bộ đối với các hướng, tuyến của dự án và sự kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ, đường cao tốc khác.
“Tôi đề nghị, song hành với đường bộ thì phải tính toán các dự án vận tải đường thủy, đường biển; bởi các tuyến vận tải này có chi phí đầu tư rẻ hơn, trong khi đặc điểm của nước ta là các tuyến đường sông, đường biển rất thuận lợi”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.
Cho ý kiến về dự án, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, thực tiễn triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã mất rất nhiều thời gian cho thực hiện kế hoạch đấu thầu.
“Việc thay đổi phương thức đấu thầu, thay đổi phương thức đầu tư khiến dự án giai đoạn 2017-2020 kéo dài thêm 3-4 năm. Không được để dự án giai đoạn này giống như giai đoạn trước”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, do kỳ họp không thường kỳ sắp tới có thời gian ngắn, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường để báo cáo Quốc hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp không thường kỳ của Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật; giao Bộ Giao thông Vận tải quản lý đầu tư toàn bộ dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương…