''Chiêu trò'' trong gameshow: Đừng làm tổn thương người chơi
Giải trí - Ngày đăng : 11:20, 11/12/2021
Tự do thể hiện hay...
Trong tập 4 chương trình "Hành lý tình yêu" phát sóng trên VTV3 lúc 20h thứ hai (ngày 29-11) và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội, người chơi Công Hoàng đã thể hiện quan điểm riêng về vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Theo người chơi này, gia đình anh cũng như nhiều gia đình ở Huế có truyền thống “trọng nam”. Trong các ngày lễ, giỗ, chỉ đàn ông mới được ngồi mâm trên, còn phụ nữ phải ngồi mâm dưới, thường là dưới bếp. “Của ngon vật lạ” cũng được mời mâm trên trước, sau đó nếu còn thừa mới chuyển xuống mâm dưới. Đặc biệt, người chơi này còn đưa ra quan điểm chọn vợ tương lai một cách cực đoan: Sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai.
Quan điểm của chàng trai này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của đạo diễn Lê Hoàng - với tư cách thành viên ban cố vấn ngay trong chương trình. Theo đạo diễn này, ông cảm thấy “phát sợ” và không thể tin được vào thế kỷ XXI vẫn có những người có tư tưởng cổ hủ đến vậy. Trên các diễn đàn, nhiều người bày tỏ phản ứng trước quan điểm “trọng nam khinh nữ” của người chơi này. Đặc biệt, nhiều người Huế lên tiếng cho rằng, không có chuyện các gia đình ở Huế hiện nay còn nặng nề tư tưởng cổ hủ như vậy.
Thực tế, trước Công Hoàng, nhiều nhân vật khi xuất hiện trên các gameshow hẹn hò đã bị dư luận chỉ trích dữ dội vì quan điểm sống bị cho là lệch lạc, có phát ngôn "không giống ai". Gần đây, cô gái trẻ Đoan Minh cũng chịu nhiều “gạch đá” khi xuất hiện trong chương trình “Ghép đôi thần tốc - Kết đôi như ý” với phát ngôn gây sốc: Tiêu chí chọn người yêu của cô là “bạn trai phải cho tiền mua đồ, đầu tư...”, không nấu ăn cho bạn trai vì mình mới là người được chiều... Nhiều người cho rằng cô gái này có tư tưởng quá thực dụng. Hay trước đó, chương trình truyền hình “Vợ chồng son” phát sóng năm 2019 cũng khiến khán giả phản ứng trước câu chuyện tình “bố nuôi - con gái” của người chơi bởi họ có những hành động, phát ngôn không phù hợp...
Cần tránh bẫy “chiêu trò”
Việc lặp đi lặp lại tình huống khiến người chơi bị chỉ trích dữ dội trong các gameshow hẹn hò khiến người xem đặt câu hỏi: Phải chăng đó là chiêu trò của nhà sản xuất nhằm tăng sự chú ý cũng như số người xem chương trình? Thực tế, việc đưa các nhân vật vào “thế hiểm”, những tình huống gây tranh cãi để câu kéo rating thường xuyên được sử dụng trong các gameshow. Song, ít khi các nhà sản xuất thừa nhận điều này và “búa rìu” dư luận tập trung cả vào người chơi.
Ngay trong chương trình “Hành lý tình yêu” kể trên, người mẫu Xuân Lan - thành viên ban cố vấn - đã ngăn Lê Hoàng thể hiện bức xúc, có thể vì lo ngại điều đó khiến Công Hoàng bị “ném đá”. Thậm chí, Xuân Lan còn lo ngại rằng không chỉ Công Hoàng mà gia đình chàng trai cũng có thể chịu những chỉ trích từ dư luận khi người chơi này chia sẻ quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã là một truyền thống của gia đình, dòng tộc. Những dự liệu này hoàn toàn chính xác bởi sau khi chương trình lên sóng, Công Hoàng - hiện đang là diễn viên bán chuyên, đã buộc phải đóng trang cá nhân, xóa mọi thông tin về chương trình.
Sau đó, người chơi này đã quay clip để gửi lời xin lỗi đến các ban, ngành, đoàn thể, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế và cộng đồng mạng. Trong clip, Hoàng chia sẻ: "Vừa rồi, em có tham gia gameshow “Hành lý tình yêu” được phát sóng trên VTV3. Em có phát ngôn theo quan điểm cá nhân không đúng thuần phong mỹ tục của người Huế, gây ra sự bức xúc với bà con người Huế. Mọi lỗi lầm em xin nhận hết về mình, họ hàng và gia đình không biết về nội dung em phát ngôn trên sóng truyền hình”. Thông qua clip Hoàng cũng gửi lời xin lỗi đến khán giả.
Hiện nay, gameshow hẹn hò thu hút rất đông người xem. Chính vì vậy, rất nhiều chương trình dạng này đã ra đời như “Bạn muốn hẹn hò”, “Lựa chọn của trái tim”, “Tỏ tình hoàn mỹ”, “Cho phép được yêu”, “Vô lăng tình yêu”, “Hẹn ăn trưa”, “Người ấy là ai”, “Hành lý tình yêu”... Đây là dạng chương trình cho phép các bạn trẻ thoải mái bày tỏ quan điểm về cuộc sống, lựa chọn người yêu...
Hậu quả của những scandal kể trên chính là bài học cho các bạn trẻ khi muốn thể hiện mình trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút sự chú ý mà bất chấp các giá trị chuẩn mực về đạo đức. Tuy nhiên, việc để người chơi phải chịu sự chỉ trích nặng nề, ảnh hưởng đến gia đình, cuộc sống riêng chắc chắn có trách nhiệm của nhà sản xuất, bởi ngay cả khi nhà sản xuất, bởi tất cả các gameshow này đều được biên tập trước khi lên sóng. Chính vì vậy, dư luận đòi hỏi các nhà sản xuất cần tránh những “chiêu trò bẩn” có thể làm hại đến người chơi!