Kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu
Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:55, 11/12/2021
Cảnh báo dấu hiệu mất an toàn
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn), trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam đã chi 2,891 tỷ USD để nhập sản phẩm chăn nuôi (thịt, sữa...). Về cơ cấu thịt nhập khẩu, trâu bò sống chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị (27%); tiếp theo là thịt trâu, bò đông lạnh (25%); thịt lợn các loại (17%); thịt gia cầm (10%)... Nguồn cung cấp thịt lớn nhất là Australia, Ấn Độ, Thái Lan, Nga, Mỹ, chiếm 71% thị phần.
Mới đây, cơ quan chức năng của Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về một số lô hàng nhập khẩu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn), trong tháng 11, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được các thông báo từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (EU) về tồn tại dư lượng 2-Chloroethanol trong thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ Cộng hòa Liên bang Đức, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và sản phẩm thịt gà có nguồn gốc từ Ba Lan tiêu thụ tại thị trường Việt Nam bị nhiễm khuẩn đường ruột salmonella.
Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo và đề nghị đơn vị này theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo rà soát, kiểm tra theo quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), việc các lô hàng nhập khẩu bị nhiễm khuẩn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Đặc biệt về giá, các loại thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu về luôn có mức thấp hơn so với giá sản xuất trong nước.
Còn theo thông tin từ Hội Chăn nuôi Việt Nam, việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ, ngày càng gia tăng. Khi các dòng thuế quan nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ vô cùng lớn. Thực tế đã có không ít đối tượng nhập lậu thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc, chất lượng về Việt Nam bán kiếm lời.
Kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm
Trước thực trạng trên, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm trước khi vào Việt Nam để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đề xuất, các ngành chức năng cần kiểm soát tốt việc nhập khẩu thực phẩm tại các cửa khẩu sân bay, điểm thông quan, hoạt động kinh doanh thực phẩm nhập khẩu tạm nhập tái xuất; sản phẩm bày bán trên thị trường; kiên quyết dẹp bỏ các điểm, cơ sở tự phát kinh doanh thịt nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn) Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay, các lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm yêu cầu mới được phép làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.
Từ việc xuất hiện những lô hàng nhập khẩu thực phẩm chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ từ năng lực của doanh nghiệp, cũng như uy tín của các nhà xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.