Khôi phục du lịch cần thích ứng linh hoạt, an toàn

Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 12/12/2021

(HNM) - Trước chủ trương của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để phát triển kinh tế - xã hội, nhiều hoạt động của ngành Du lịch đã được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển du lịch bền vững theo chủ trương của Chính phủ thì ngành Du lịch cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng.

Tăng cường liên kết du lịch, xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn

- Ở thời điểm này, nhiều địa phương đang triển khai mở trở lại các hoạt động du lịch. Ông đánh giá thế nào về giải pháp “bong bóng du lịch” - hành lang du lịch an toàn thời Covid-19, cho phép du khách tham quan, đi lại tự do, không phải cách ly khi nhập cảnh - được thực hiện trong thời gian qua?

- Đó là việc làm cần thiết, bởi trong tình hình hiện nay, khó có thể đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối; thay vào đó, chúng ta cần xác định “sống chung với dịch” một cách an toàn.

Ngành Du lịch đã lên kế hoạch đưa hoạt động du lịch dần trở lại, thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19. Lúc này, các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch cần xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình mới, bảo đảm đưa khách đi du lịch an toàn với những chuyến đi khép kín từ “vùng xanh” đến “vùng xanh”, nói cách khác là thực hiện mô hình “bong bóng du lịch”. Muốn vậy, tất cả các khâu phải bảo đảm yếu tố “xanh”, an toàn, như: Điểm đến xanh, vận chuyển xanh, dịch vụ xanh, hành lang thủ tục xanh… Từ cuối tháng 10-2021, nhiều đơn vị đã thực hiện theo mô hình này với các sản phẩm, như: Du lịch caravan (tự lái xe), du lịch “không chạm”…

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương dè dặt, chưa mở cửa cho hoạt động du lịch trở lại. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào đến việc phục hồi chung của ngành Du lịch?

- Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ tư, nhiều địa phương tỏ ra thận trọng hơn trong việc mở trở lại các hoạt động du lịch. Điều đó khiến cho ngành Du lịch gặp khó khăn nhất định khi thực hiện kế hoạch phục hồi.

Trước vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hội Lữ hành Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm kết nối các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch và đơn vị lữ hành các địa phương, lắng nghe ý kiến về những khó khăn, trở ngại. Qua đó cơ quan quản lý đã hướng dẫn các địa phương mở lại hoạt động theo hướng du lịch an toàn, với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Việc triển khai du lịch an toàn tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn bất cập, nhất là việc thống nhất các tiêu chí “vùng xanh an toàn” và phương án đón khách. Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn này, thưa ông?

- Mỗi địa phương khi triển khai du lịch an toàn có cách hiểu và quan điểm khác nhau về “vùng an toàn” cho du lịch. Tôi cho rằng, để giải quyết việc này, quan trọng nhất vẫn là quyết sách của các địa phương cần có sự cởi mở, linh hoạt. Để du lịch phục hồi bền vững, các địa phương cần có sự liên kết với nhau và liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, khi thực hiện du lịch “không chạm”, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, quảng bá sản phẩm cũng như tăng tính trải nghiệm của du khách.

- Việt Nam đã thí điểm đón khách quốc tế theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)… Ông đánh giá hoạt động này sẽ tác động như thế nào đến sự phục hồi thị trường du lịch nội địa?

- Tại Diễn đàn Du lịch nội địa do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 12-2021, Tổng cục Du lịch đã thông tin, sau nửa tháng thí điểm, Việt Nam đón gần 1.000 khách quốc tế. Điều đó có tác động tích cực đối với thị trường nội địa. Nhiều tỉnh, thành phố đang nâng cấp chất lượng dịch vụ để thu hút khách nội địa, hướng tới mở rộng việc đón khách quốc tế. Khách nội địa dần cởi bỏ tâm lý e ngại, bắt đầu quen với hình thức du lịch trong trạng thái “bình thường mới”.

Du lịch Hà Nội đang dần phục hồi

- Ông nhận định như thế nào về tốc độ phục hồi của du lịch Thủ đô?

- Hà Nội đang có sự phục hồi nhanh, rõ nét. Thị trường du lịch Hà Nội có sự chuyển mình đáng kể. Ngay từ cuối tháng 10-2021, nhiều đơn vị du lịch đã chủ động kết nối với các điểm đến trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác để xây dựng sản phẩm du lịch mới. Nhiều điểm du lịch ở ngoại thành Hà Nội kín khách vào cuối tuần. Trong tháng 11-2021, lượng khách du lịch nội địa tại Hà Nội là hơn 300 nghìn lượt.

- Vừa qua, nhiều đơn vị lữ hành của Hà Nội đã giới thiệu những sản phẩm du lịch “độc”, “lạ”, mang đến sự trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Ông đánh giá thế nào về tính bền vững của những sản phẩm này?

- Trước kia các đơn vị lữ hành thường hoạt động độc lập, nhưng lúc này chúng ta đã thấy tính liên kết, sự chung tay của nhiều đơn vị để cùng xây dựng sản phẩm chung, vừa để chia sẻ khó khăn, vừa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều sản phẩm mới được hình thành, trong đó có không ít sản phẩm rất hay do các đơn vị lữ hành thuộc Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen xây dựng, như: Du lịch caravan khám phá khu vực Đông - Tây Bắc, trải nghiệm Đền Hùng về đêm; tour du lịch bằng xe đạp... Công ty Lữ hành Hanoitourist phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long xây dựng sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”... Đây là những sản phẩm có tính đặc trưng riêng của Hà Nội, đã tạo được sức hút nhất định. Tôi tin rằng, những sản phẩm này sẽ được duy trì lâu dài, vì bảo đảm được các tiêu chí: Hấp dẫn, mới lạ, an toàn.

- Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, theo ông, sản phẩm du lịch nào sẽ là thế mạnh của Hà Nội trong chiến lược phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19?

- Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, như: Du lịch văn hóa; du lịch khám phá, trải nghiệm; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao; du lịch nông nghiệp - nông thôn… Trong số đó, tôi cho rằng, du lịch văn hóa là cốt lõi, là nền tảng. Vì thế, trong quá trình xây dựng sản phẩm, Hội Lữ hành Hà Nội luôn đặt yếu tố văn hóa Hà Nội làm gốc. Với những sản phẩm mới gần đây, dù được triển khai ở khu vực nội thành hay ngoại thành, thì chúng tôi luôn gắn với những câu chuyện về văn hóa Hà Nội, không chỉ giúp du khách thư giãn, mà còn có thêm trải nghiệm mới về Thủ đô.

- Để thúc đẩy du lịch Hà Nội phục hồi nhanh hơn, tạo đà cho sự phát triển bền vững, ngoài việc cơ cấu lại sản phẩm hấp dẫn, an toàn hơn, du lịch Hà Nội còn cần những giải pháp nào khác, thưa ông?

- Du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài việc cơ cấu lại sản phẩm theo tiêu chí an toàn, bảo đảm phòng, chống dịch, ngành Du lịch cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang bị thiếu hụt, ứng dụng công nghệ trong quản lý và xây dựng sản phẩm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc quảng bá điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn” bằng nhiều hình thức để thu hút du khách nội địa, hướng tới mở rộng đón khách quốc tế.

Với những tín hiệu lạc quan như hiện nay, du lịch Hà Nội sẽ sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Lân