Giải "bài toán" khó
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 13/12/2021
Muốn sản phẩm có được giá bán phù hợp với chất lượng thì phải có thương hiệu và “đầu ra” ổn định trên thị trường. Nhưng thực tế ở không ít địa phương, trong đó có Hà Nội, tại các chợ truyền thống cũng như các điểm bán hàng, nhiều người tiêu dùng không định hình được sự khác biệt giữa sản phẩm OCOP với các mặt hàng cùng loại… Cũng phải nói thêm, phần lớn sản phẩm OCOP được sản xuất với quy mô nhỏ, chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, rất ít dấu ấn của công nghiệp chế biến và công nghệ cao.
Ở khía cạnh khác, hầu hết các sản phẩm OCOP sinh ra từ làng, là thành quả lao động của những nghệ nhân - nông dân. Những chủ thể OCOP này không có nhiều thông tin về thị trường, cũng không am tường việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong khi đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP khiến nhiều chủ thể OCOP phải “tự bơi”, do đó chưa đủ sức “đề kháng” để chống lại những biến động của thị trường. Minh chứng rõ nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường thiếu ổn định, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trực tiếp bị ngưng trệ, nhiều chủ thể OCOP gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng do ế thừa sản phẩm vì không thể tiêu thụ.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng việc quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Trước hết, để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm OCOP thay vì các mặt hàng cùng loại, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các chủ thể trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao gồm các yếu tố nhận diện như: Kiểu dáng, bao bì, nhãn mác…; đồng thời tư vấn, hỗ trợ các chủ thể OCOP về kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đặc biệt là kỹ năng bán hàng trực tuyến (online), trực tiếp (offline). Mặt khác là thúc đẩy việc xây dựng các điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các địa phương để người tiêu dùng có thêm thông tin, thêm lựa chọn, dễ tiếp cận với sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh các giải pháp kết nối tiêu thụ sản phẩm như: Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu một cách chuyên nghiệp các sản phẩm OCOP, qua đó kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các tỉnh, thành phố, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cần chú trọng kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng sàn thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; đa dạng hình thức kết nối và hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất, kinh doanh…
Về lâu dài, bên cạnh việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, cần chú trọng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất để minh bạch thông tin về sản phẩm OCOP. Và một giải pháp không kém phần quan trọng, cùng với việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm OCOP thì các chủ thể cần duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm - yếu tố quyết định để đầu ra của sản phẩm OCOP không còn là “bài toán” khó.