Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính
Công nghệ - Ngày đăng : 07:29, 13/12/2021
Nhiều nguồn phát thải lớn
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có nguồn phát thải khí nhà kính lớn, tương đương 38,5 triệu tấn Carbon dioxide-CO2/ năm, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia. Trong đó, hoạt động giao thông là tác nhân chính dẫn đến tình trạng phát thải khí nhà kính vượt ngưỡng, chiếm đến 45% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính toàn thành phố.
Cụ thể, xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải khí Nitơ monoxide, 90% khí Carbon monoxide và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn. “Với tốc độ đô thị hóa cao, hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng lớn, xe cộ ngày càng nhiều, tôi thấy chất lượng không khí đô thị có xu hướng xấu đi", chị Cao Thị Mỹ Anh (ngụ tại 123/32 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) nhận xét.
Tiêu thụ điện năng lớn cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), mức tiêu thụ điện của các tòa nhà thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 có thể lên tới 14 tỷ kWh, tương đương với mức phát thải khí CO2 gần 12 triệu tấn. Trong 9 tòa nhà điển hình được khảo sát thì có 3 trung tâm thương mại và 3 khách sạn có lượng tiêu thụ năng lượng trên 500 TOE/năm (TOE là đơn vị quy đổi tổng số điện tiêu thụ một năm sang đơn vị tấn dầu chạy nhiệt điện). Cường độ tiêu thụ năng lượng của khách sạn ở mức 345kWh/m²/năm; đối với các trung tâm thương mại là 340kWh/m²/năm.
Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) Cao Tung Sơn cho hay, dự báo thành phố sẽ tăng thêm 40% khí thải nhà kính vào năm 2025 và 50% vào năm 2030 nếu không có giải pháp kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải, nhất là từ các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghiệp, xây dựng...
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, trong hoạt động giao thông vận tải, PGS.TS Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, thành phố cần đẩy nhanh việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, kêu gọi sử dụng nhiên liệu sạch, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An, ngành Giao thông - Vận tải thành phố đã và đang triển khai đo khí thải xe máy, dự kiến loại bỏ xe cũ nát từ năm 2030; hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô giai đoạn 2026-2030 và phát triển hệ thống xe buýt điện thân thiện môi trường từ năm 2022.
Trong khi đó, ngành Điện lực đang phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp và Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình phát triển điện mặt trời áp mái. Mục tiêu là phát triển được 1.000 MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái từ nay đến năm 2024; giảm 10-15% lượng điện năng tiêu thụ từ nhiệt điện, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2.
Còn Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) vừa cho ra mắt ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Healthy AIR, cho phép mọi người biết mức độ ô nhiễm hiện tại và dự báo tương lai. Những dự báo, tính toán của ứng dụng về mức ảnh hưởng ô nhiễm không khí lên sức khỏe cộng đồng sẽ là cơ sở cho việc phát triển chính sách quản lý phát thải khí nhà kính mới.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trên 5 lĩnh vực, gồm: Năng lượng cố định; giao thông; chất thải; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, rừng và sử dụng đất. Từ đó tham mưu để UBND thành phố ký bản ghi nhớ về hợp tác với Tổ chức C40 (mạng lưới các thành phố lớn cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu) trong việc tham gia dự án công khai thông tin về phát thải carbon...
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng thông tin: "Thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai 20 dự án. Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế".