Biện pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá sau Tết và cả năm 2023

Kinh tế - Ngày đăng : 23:31, 23/01/2023

(HNMO) - Giá các mặt hàng Nhà nước quản lý được điều hành thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho kiểm soát lạm phát cả năm 2023.

Áp lực lạm phát bình quân tăng ngay từ quý I-2023.

Theo Bộ Tài chính, dự báo năm 2023 tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho quản lý, điều hành giá, do tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, lạm phát ở một số nước vẫn là vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Giá nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới có nguy cơ tăng cao, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu...

Trong nước, việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi trong thời gian qua. Một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023. Áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản. Đặc biệt, áp lực lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I-2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, việc quản lý, điều hành giá năm 2023 cần chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5%, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng, tăng cường quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán, xử lý vi phạm pháp luật về giá.

Điều hành giá các mặt hàng Nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm 2023

Chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá; theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, đánh giá kỹ các công cụ về thuế để tham mưu đề xuất việc tiếp tục hoặc dừng thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động tính toán, chuẩn bị các phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo kịp thời Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá để có các quyết định phù hợp tình hình thực tiễn.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý hành vi vi phạm.

Thông tin kịp thời, minh bạch về điều hành giá của Chính phủ, diễn biến giá các vật tư quan trọng, mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng ngay từ thời điểm đầu năm khi CPI dự kiến tăng cao.

Hương Thủy