Miệt mài đưa dân ca vào ca khúc
Giải trí - Ngày đăng : 07:58, 13/12/2021
Nhạc sĩ Lê Minh (tên thật là Lê Minh Uyển), sinh năm 1947, tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ và được điều về Binh chủng Thông tin liên lạc. Với những cảm xúc về cuộc sống chiến đấu gian khổ cùng nỗi nhớ quê hương da diết, người lính trẻ Lê Minh khi ấy đã “bật” ra những nốt nhạc đầu tiên. Thấy cấp dưới có năng khiếu nghệ thuật, các thủ trưởng đã tạo điều kiện để ông được theo học lớp sáng tác do Binh chủng tổ chức. Năm 1979, ông rời quân ngũ về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây (nay thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), chuyên mảng quản lý sáng tác. Từ khi nghỉ hưu, ông vẫn say sưa, miệt mài với 2 công việc sáng tác và dạy học. Ông đã tham gia bồi dưỡng kiến thức cho nhiều thí sinh thi đỗ vào các trường nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô, như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội…
Nhạc sĩ Lê Minh ít tự đặt lời mà thường “mượn” lời thơ, ý thơ của bạn bè để phổ nhạc. Một trong những ca khúc nổi bật nhất của ông là “Khách đến chơi nhà”. Cái hay của bài hát này là đưa những phong tục truyền thống thân thuộc vào âm nhạc, vừa da diết, trữ tình, vừa rộn ràng, tươi trẻ. “Khách đến chơi nhà” mang lời ca và giai điệu đẹp, thấm đẫm hình ảnh quan họ, đặc biệt lại trùng tên với một bài hát quan họ cổ, nên nhiều người dễ lầm tưởng là dân ca. Có lẽ “Con nhện tìm duyên” là một trong số ít những ca khúc mà ông tự đặt lời. Đó là “món quà” ông dành tặng nghệ sĩ Thanh Quý (Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh) nói riêng và các nghệ sĩ quan họ nói chung. “Con nhện tìm duyên” là sự liên tưởng giữa hình ảnh con nhện giăng tơ với những người nghệ sĩ quan họ cả đời giăng mắc những duyên thầm vào đời sống mỗi ngày. Họ cặm cụi đi tìm cái hay nhất, đẹp nhất dâng cho đời với niềm say mê, nhiệt thành, không toan tính, vụ lợi. Chính điều đó đã tạo nên cảm hứng để ông sáng tác ca khúc về họ.
Tháng 11 vừa qua, nhạc sĩ Lê Minh đã cho ra mắt album “Cung bậc của núi rừng” như một sự tri ân những miền núi rừng biên cương mà ông đã đi qua. Trong đó, bài hát “Bản vắng” (thơ Mai Liễu) dường như là một cách chơi chữ của ông. Không gian hiện lên không vắng vẻ, trái lại rất rộn ràng, vui tươi, ở đó có những người dân lao động cần cù, chịu thương, chịu khó giã gạo bên dòng suối khi màn đêm buông xuống. Mang âm hưởng Tây Bắc độc đáo, “Tiếng khèn mùa ban nở” (thơ Nguyên Như) ngoài khắc họa tình yêu của đôi trai gái vùng cao đầy lãng mạn, mộng mơ và đậm chất thơ còn là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và sống động. Qua bài hát “Đá lạnh”, nhạc sĩ Lê Minh đã khẳng định, nếu con người không có tình yêu thì cũng như hòn đá lạnh lẽo, vô tri vô giác. Tình yêu chính là động lực, là nguồn cảm hứng để con người vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.
Chia sẻ về album “Cung bậc của núi rừng”, nhạc sĩ Lê Minh cho biết: “Dân ca miền núi phía Bắc rất phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Tôi muốn níu giữ và “khoác” một “tấm áo vừa vặn” vào dân ca ở đó để góp phần gìn giữ và bảo tồn trong đời sống hôm nay. Bản thân là người sáng tác nhạc về nhiều vùng miền, nhưng có thể nói đề tài miền núi luôn hấp dẫn tôi, luôn thôi thúc tôi khám phá”.
Là người anh, người bạn gần gũi của nhạc sĩ Lê Minh ở Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Đoàn Bổng cho rằng, muốn ca khúc có sức sống lâu bền trong lòng người nghe, thì các nhạc sĩ phải khai thác dân ca một cách triệt để và Lê Minh là một trong số những nhạc sĩ đã thành công trong việc đưa dân ca vào ca khúc. “Những sáng tác của nhạc sĩ Lê Minh luôn phảng phất khúc đồng dao quê, dung dị như hơi thở cuộc sống và thấm đẫm âm hưởng của các vùng, miền khác nhau. Âm nhạc của ông nhẹ nhàng, không cầu kỳ về khúc thức, không phô trương tính biểu đạt…”, nhạc sĩ Đoàn Bổng cho hay.