Rời hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ dẫn đến nhiều rủi ro

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 13/12/2021

(HNM) - Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2021, cả nước có 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Thực tế trên cho thấy, nếu người lao động rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội là tự tước đi quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất... dẫn đến rủi ro trong tương lai.

Công đoàn các cấp cần phối hợp bảo hiểm xã hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, số người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thấp nhất ở khối sự nghiệp công lập. Những người nhận bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 (chiếm 80,9%), trong đó tập trung đông nhất ở nhóm 20-30 tuổi (chiếm 42,7%), nhóm 30-40 tuổi chiếm 38,2%. Ông Lê Hùng Sơn nhận định, khó khăn do dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Ngoài ra, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để có luôn một khoản “tiền tươi”, mà quên đi rằng đây chính là "của để dành" dự phòng cho những rủi ro trong tương lai.

Là địa phương chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nề, từ đầu năm tới nay, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết 95.055 hồ sơ, số tiền chi trả là hơn 6.000 tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho hay, 3 nguyên nhân chính khiến người lao động quyết định đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Thứ nhất là người lao động ngừng việc, thiếu việc làm bị ảnh hưởng thu nhập, để trang trải cuộc sống, họ quyết định chuyển từ khu vực chính thức sang lao động tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội. Thứ hai, một bộ phận người lao động từ tỉnh khác đến thành phố chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Thứ ba, do thói quen của người lao động nghĩ rằng nhận bảo hiểm xã hội là trợ cấp mất việc để giải quyết khó khăn, sau đó tính đến phương án tiếp tục tham gia trở lại khi có điều kiện.

Nếu quyền lợi được đặt lên “bàn cân”, thì chính sách bảo hiểm xã hội đem lại cho người lao động những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014. Trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi công đoàn các cấp về thực hiện một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng. Theo đó, Công đoàn các cấp phối hợp bảo hiểm xã hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nói chung, bảo hiểm xã hội một lần nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn, giúp người lao động an tâm, tiếp tục tham gia, gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội, các cấp công đoàn cần tăng cường tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm... Công đoàn cơ sở đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định nhóm đoàn viên, người lao động có nguy cơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Giải quyết tận gốc vấn đề này chính là nâng cao đời sống cho người lao động. Công đoàn cơ sở cũng cần tăng cường nguồn lực xã hội đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Hà Phong - Lý Thị Mai