Trách nhiệm “đúng vai, thuộc bài”

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:30, 13/12/2021

(HNM) - 1. Yêu cầu cán bộ phải “đúng vai, thuộc bài” đã không ít lần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong các bài phát biểu quan trọng, coi đây là một nội dung không thể thiếu để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Có thể hiểu “đúng vai, thuộc bài” tức là làm đúng chức năng nhiệm vụ, đúng quyền hạn, vị trí, không làm thay việc của người khác; nắm vững chức năng nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, hiểu biết lĩnh vực; cơ quan này không làm thay, lấn sân việc của cơ quan kia… Thế nhưng trên thực tế, vì chưa làm “đúng vai, thuộc bài” nên không ít cán bộ các cấp đã mắc phải khuyết điểm, làm sai, làm trái, dẫn tới bị xử lý kỷ luật, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng đã bị tuyên mức án 11 năm tù vì dùng quyền của mình (khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương) để chỉ đạo chuyển quyền sử dụng khu đất là tài sản nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh cho tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng là một ví dụ. Nếu ông Hoàng nhận thức rõ, thực hiện “đúng vai” Ủy viên Trung ương Đảng là phải “thuộc bài” Quy định về những điều đảng viên không được làm, nắm vững các quy định pháp luật để không làm trái, làm sai thì đã không xảy ra cơ sự như trên. Tại Hà Nội, gần đây nhất, do không nhận thức “đúng vai” là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nhất là giữa lúc cả nước đang dốc lòng, dốc sức phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Nhật Cảm đã “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và phải lĩnh án tù.

Những năm qua, cũng vì không thực hiện “đúng vai, thuộc bài”, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã có biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Giai đoạn 2016-2020, có trên 25.100 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị kỷ luật. Trong đó, hơn 15.100 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống; gần 8.300 đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị; hơn 1.700 đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đó là những hậu quả khi không đáp ứng được yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”. Ngoài ra còn nhiều biểu hiện nhẹ hơn, chưa đến mức phải kỷ luật, nhưng gây tác hại âm ỉ và nguy hiểm không kém, như tình trạng cán bộ “diễn đúng vai, nhưng không thuộc bài” hay “ngồi nhầm ghế” do năng lực, trình độ hạn chế nên thường tìm mọi lý do để né tránh thực hiện công việc được giao... 

Từ sự cần thiết của yêu cầu cán bộ phải “đúng vai, thuộc bài”, trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”“, đề cập đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) xác định rõ: “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm”.

2. Kết luận số 21-KL/TƯ vừa được ban hành đã đề ra 5 nhóm giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây chính là bộ giải pháp thiết thực để xây dựng đội ngũ cán bộ “đúng vai, thuộc bài”. Cùng với đó còn có Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về những điều đảng viên không được làm và mới đây nhất là Quy định số 41-QĐ/TƯ ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Để cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý các cấp “đúng vai, thuộc bài”, một việc không thể thiếu là cần thường xuyên tổng kết thực tiễn, rà soát hệ thống văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước để phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm thực thi của chính quyền để cán bộ, đảng viên không bị “đá nhầm sân”, nhằm ngăn ngừa khả năng sai phạm ngay từ đầu. Đó cũng là cách thiết thực bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Là đảng bộ lớn nhất cả nước, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” với những giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “đúng vai, thuộc bài” như Trung ương yêu cầu. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi trách nhiệm của mình... Cán bộ phải được bố trí đúng vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh. Cần nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao theo Quyết định số 1841-QĐ/TU ngày 28-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Đồng thời, kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp thiếu tập trung, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; hoặc có tín nhiệm thấp, dĩ hòa vi quý, bè cánh, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm nhưng chưa đến mức bị kỷ luật... mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Có thể nói, để cán bộ thực hiện “đúng vai, thuộc bài” không thiếu các công cụ, giải pháp. Song, điều quan trọng là ý chí quyết tâm hành động của cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị; là nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về vấn đề này. Và, khi mỗi cán bộ, đảng viên đều “đúng vai, thuộc bài”, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao thì cả hệ thống chính trị chắc chắn sẽ chuyển động tích cực, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, dù to lớn và khó khăn đến mấy...

Nhị Hồng