Dấu mốc quan trọng đối với ngành Ngoại giao
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:39, 13/12/2021
Các hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh ngành Ngoại giao cùng với các cơ quan, lực lượng đối ngoại thời gian qua đạt được những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bằng việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngành Ngoại giao đã khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Cùng với đó, ngành đã tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu cho Đảng và Nhà nước chủ trương tham gia nhiều liên kết kinh tế quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy đàm phán và đến nay đã ký 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, thông qua đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin, Việt Nam đã tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời của quốc tế, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống và thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Ngoài ra, ngành Ngoại giao cũng đã đi đầu tạo lập và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, cùng các cấp, ngành bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương liên quan nỗ lực đàm phán, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với các nước láng giềng; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên cả nước tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mở ra một giai đoạn mới trong công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong giai đoạn hiện nay là "tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Văn kiện Đại hội chỉ rõ mục tiêu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Ngành Ngoại giao giờ đây có thêm nhiệm vụ trọng tâm phục vụ trực tiếp các địa phương, doanh nghiệp và từng người dân.
Trên cơ sở ấy, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 lựa chọn chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương”. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh công tác đối ngoại địa phương kể từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 (tháng 8-2018) đã thu được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại của đất nước. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, nhưng với phương thức đồng bộ, thích ứng linh hoạt và đột phá, đối ngoại địa phương đã khắc phục được khó khăn, từng bước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đạt được các kết quả khá toàn diện. Phát huy những thành tích đã đạt được, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 sẽ triển khai các định hướng mới cho công tác đối ngoại, trong đó địa phương và doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm. Đây cũng là dịp để các địa phương, các ban, bộ, ngành trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng các đối tác quốc tế cùng đánh giá về những kết quả đã đạt được trong đối ngoại địa phương, đưa ra biện pháp để tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả triển khai công tác này trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, các phiên họp toàn thể sẽ không chỉ đánh giá, dự báo tình hình thế giới và khu vực, mà còn tập trung làm rõ, hiện thực hóa đường lối đối ngoại được chỉ rõ tại Đại hội XIII của Đảng bằng các kế hoạch, chương trình, biện pháp, nhiệm vụ đối ngoại cụ thể đối với ngành Ngoại giao. Trong đó, giữ vững hòa bình, ổn định tiếp tục là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng. Cùng với đó, hội nghị cũng sẽ là dịp để ngành Ngoại giao một lần nữa thể hiện quyết tâm xây dựng ngành ngày càng vững mạnh toàn diện, hiện đại, với yêu cầu cốt yếu là xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao vững vàng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách, phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế.
Bằng thế và lực mới sau 35 năm đổi mới, cả nước đang ra sức phấn đấu với ý chí, quyết tâm cao thực hiện khát vọng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước theo đường lối Đại hội XIII của Đảng. Hòa vào nỗ lực chung đó, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra và sự thành công của các hội nghị này sẽ là dấu mốc đặc biệt quan trọng.