Tập trung trợ giúp lao động tự do
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 14/12/2021
Thu nhập bấp bênh do ảnh hưởng của dịch bệnh
Do dịch bệnh, cuộc sống của nhiều người không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) như bán hàng ăn thuê, bán hàng nước, giúp việc… trở nên bấp bênh, thu nhập không ổn định.
Bà Lê Thị Liên, người rửa bát thuê ở một hàng ăn trên phố Cầu Gỗ (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Do dịch bệnh, cửa hàng nơi tôi làm ít khách nên công việc không có việc thường xuyên. Vì nhận lương theo ngày nên tôi cứ nghỉ ngày nào là bị trừ tiền ngày đó. Thu nhập giảm đã ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của gia đình...”.
Còn với chị Nguyễn Thị Hằng, cứ đều đặn mỗi sáng sớm, chị lại tất tả chạy xe máy từ nơi sinh sống ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh) đến khu vực “chợ người” ở chân cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy) để chờ việc. “Ở khu vực “chợ người” này thường có khoảng 20 người lao động như tôi ngồi chờ người đến thuê dọn dẹp công trình, nhà cửa. Tuy vậy, nhu cầu tìm người thuê của khách thường chọn nam giới sức dài vai rộng nên có ngày tôi không nhận được việc làm”.
Trong những ngày qua, trên địa bàn phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) ghi nhận 60 ca mắc Covid-19. Trước tình hình này, UBND phường đã cách ly y tế nhiều hộ dân ở các dãy nhà H3, H4, H5 và B1 khu tập thể Nguyễn Công Trứ và tạm thời đóng cửa chợ Nguyễn Công Trứ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND phường Phố Huế Đỗ Minh Thu cho biết, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khiến nhiều lao động tự do trên địa bàn phải nghỉ việc nên cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, cần sự giúp đỡ.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Hiện, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức các hoạt động trợ giúp người lao động, đặc biệt là lao động tự do. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) Đỗ Minh Thu, UBND phường đã tổ chức cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong khu cách ly y tế ở các dãy nhà H3, H4, H5 và B1 khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Ngoài ra, UBND phường đã yêu cầu các tổ trưởng tổ dân phố rà soát những trường hợp lao động tự do gặp khó khăn về việc làm, thu nhập để giúp họ hoàn thiện thủ tục nhận trợ cấp theo quy định.
Tương tự, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Hồng Dũng cho biết, hiện trên địa bàn phường có nhiều lao động tự do vì tập trung nhiều hàng ăn, quán cà phê, cửa hàng kinh doanh. Có không ít người trong số này bị ảnh hưởng thu nhập bởi việc kinh doanh của một số cửa hàng không khả quan do dịch bệnh. Thời gian qua, UBND phường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp theo các chính sách của Trung ương và thành phố Hà Nội. UBND phường cũng huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để chia sẻ, hỗ trợ người ở khu cách ly cũng như những lao động không có giao kết hợp đồng.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho hay, để chăm lo đời sống cho lao động tự do, UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các phường trên địa bàn thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách của Trung ương và thành phố về hỗ trợ người khó khăn do dịch bệnh. Theo đó, tính đến nay, có hơn 8.600 lao động tự do trên địa bàn quận được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 12,9 tỷ đồng.
Cũng để chia sẻ khó khăn với người lao động, UBND quận Thanh Xuân đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục chi trả trợ cấp cho lao động tự do. Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Thu Trang, hiện có 12.800 lao động tự do trên địa bàn quận đã được hỗ trợ với tổng số tiền 19,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ quận là đầu mối tiếp nhận nhu yếu phẩm từ các cá nhân, tập thể trên địa bàn ủng hộ người dân vượt qua đại dịch. Đến nay, quận đã hỗ trợ 700 triệu đồng; tặng 22.630 suất quà (tổng trị giá gần 6,6 tỷ đồng) cho các hộ cận nghèo, lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh.
Hiện, các cấp, ngành, địa phương của Thủ đô vẫn đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động tự do. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng trích kinh phí từ nguồn ủng hộ công tác phòng, chống dịch để trợ giúp cho người lao động. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và các quận, huyện, thị xã đã huy động nhiều nguồn lực xã hội để cùng chung sức hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh. Sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả này đã, đang giúp người lao động tự do trên địa bàn Thủ đô ổn định cuộc sống.