Thực cảm một Tây Nguyên giàu đẹp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 24/01/2023

(HNM) - Nhóm chúng tôi gồm 4 người đã 10 năm mới có dịp quay trở lại Tây Nguyên. Trong chuyến đi kéo dài 7 ngày bằng ô tô, chúng tôi đã xuyên dọc, xẻ ngang vùng đất rộng lớn này để cảm nhận hết những thay đổi mang tính bước ngoặt và nhận ra những tiềm năng to lớn đang chờ được khai phá.

Nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) hiện là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam.

Ấn tượng những con đường

Tây Nguyên cao hơn mực nước biển khoảng 600m, có diện tích tự nhiên 54.470km2, bằng 1/6 diện tích cả nước, dân số gần 6 triệu người. Chúng tôi khởi đầu chuyến đi từ thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) và kết thúc hành trình ở thị trấn Măng Đen (tỉnh Kon Tum), nơi được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai”.

Mọi đô thị trên quốc lộ 14 xuyên dọc Tây Nguyên này đều đã có đường tránh to, rộng xuyên qua những vạt rừng thông, xẻ đôi những cánh rừng cao su hay lượn qua những vườn cà phê bát ngát. Phóng viên ảnh Hoàng Sâm liên tục yêu cầu dừng xe để anh nhảy xuống bấm máy, ghi lại những khung cảnh tuyệt đẹp của vùng bình nguyên trên cao. “Tôi vẫn cứ nghĩ đường sá Tây Nguyên còn thiếu, nhỏ hẹp, ngờ đâu đẹp thế này!!!”, anh liên tục nói.

Ngay từ khi xuất phát từ thành phố Gia Nghĩa, chúng tôi đã rất ấn tượng về những con đường. Xuyên dọc Gia Nghĩa là con đường 6 làn xe thẳng tắp, xẻ ngang qua những quả đồi. Hai bên đường nhà cửa san sát, cây cối xanh mát cao lớn. “Khung cảnh khác hẳn những gì tôi từng thấy khi đến đây năm 2010. Lúc đó Gia Nghĩa nhỏ, vắng và hoang sơ”, anh Vương Vũ, một nhà thơ, chia sẻ.

Ấn tượng này còn theo bám chúng tôi khi đi qua những con đường rộng, đầy ắp ô tô ở Buôn Ma Thuột; đường tránh rộng mênh mông ở Pleiku; tuyến tránh thị trấn Buôn Hồ thẳng, nhẵn lỳ như đường băng máy bay hay con đường đẹp không tỳ vết từ thành phố Kon Tum lên thị trấn Măng Đen. Heo hút như đường tuần tra biên giới trên quốc lộ 14C từ Đắk Nông sang Đắk Lắk cũng khiến mọi người trên xe “ồ à” liên tục vì vẻ đẹp của dải lụa xuyên rừng này.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, Tây Nguyên có tổng cộng hơn 35.000km đường bộ. Trong số này hệ thống đường quốc lộ dài hơn 3.000km, bao gồm cả 2 tuyến chính là quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) chạy giữa Tây Nguyên và quốc lộ 14C chạy men theo biên giới với Campuchia. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có các tuyến quốc lộ chạy ngang với tổng chiều dài khoảng 32.220km.

Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh là trung tâm nối duyên hải Nam Trung Bộ với tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia, Tây Nguyên đang rất cần những tuyến đường bộ chạy ngang xuống biển và nối lên phía Tây. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung trong một lần chia sẻ với báo giới, đã tâm sự: “Đắk Lắk đã đề xuất với Chính phủ sớm triển khai xây dựng 3 đường cao tốc nối Buôn Ma Thuột với Khánh Hòa, Lâm Đồng và Phú Yên; xây mới các tuyến đường nối Gia Lai và Đắk Nông… Đến lúc đó, hàng hóa xuất khẩu của Tây Nguyên chỉ mất khoảng 2 giờ là đã xuống đến các cảng biển Nam Trung Bộ…”.

Mong mỏi đó sắp thành hiện thực. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch và giao Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm hơn 298.000 tỷ đồng triển khai các dự án cao tốc liên vùng như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Dầu Giây - Liên Khương… Giai đoạn 2026-2030, sẽ bố trí tối thiểu hơn 89.000 tỷ đồng để triển khai và hoàn thành 9 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Thành phố trẻ Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông như một hiện thân của Tây Nguyên mới đầy sức sống.

Vùng năng lượng xanh

Trong suốt hành trình, nhiều lần chúng tôi sững sờ trước những trang trại điện gió, mỗi trang trại có hàng chục cây tuốc-bin vươn lên trời xanh cao vợi, sải những cánh quạt dài tạo ra điện. Cũng đã nhiều lần, chúng tôi dừng xe để ngắm nhìn những cánh đồng điện mặt trời rộng bao la, trải dài dưới nắng Tây Nguyên. Trước đây, nắng to gió lớn là một trở ngại. Nay, những yếu tố thiên nhiên riêng có ấy lại góp phần đưa Tây Nguyên trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước.

Theo Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), 5 tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích đất có thể phát triển nhà máy điện gió và điện mặt trời lần lượt là 106.869ha và 29.519ha, với tổng công suất tương ứng là 5,1GW và 24,6GWp. Đắk Nông và Đắk Lắk là hai trong số các địa phương vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và mạnh năng lượng tái tạo.

Tại Đắk Nông, từ cuối năm 2020, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư 6 dự án điện gió ở huyện Đắk Song với tổng công suất 430MW. Những dự án này đã góp phần cung cấp cho điện lưới quốc gia, tăng độ ổn định cho hệ thống điện tỉnh Đắk Nông, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế. Các dự án này tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (đóng góp tới 300 tỷ đồng/năm cho huyện Đắk Song).

Theo khảo sát, Đắk Lắk có tiềm năng điện mặt trời lên đến 16.000MWP. Đã có 32 dự án điện mặt trời được lập, xin chủ trương đầu tư và được phê duyệt, triển khai. Chỉ tính riêng cụm công trình điện mặt trời Sêrêpôk ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 đã cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 150 triệu Kwh mỗi năm, tạo nguồn thu ngân sách khoảng 300 tỷ đồng. Đắk Lắk cũng đang sở hữu Nhà máy Điện gió Ea Nam lớn nhất Việt Nam, với tổng công suất 400MW và Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất 600MW/831MWp. 

Dù các Tây Nguyên và ngành Điện đang gặp một số khó khăn do năng lượng tái tạo phát triển “quá nóng” trong thời gian qua, dẫn đến một số bất cập cả về chính sách quản lý và hạ tầng truyền dẫn, nhưng việc khai phá tiềm năng trong lĩnh vực này vẫn được cả Chính phủ, bộ, ngành trung ương và các tỉnh Tây Nguyên tích cực triển khai, song song với việc giải quyết những vướng mắc trước mắt.

Theo Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng và phát triển Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030 khoảng 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD…

Ông A Bók (người có uy tín của thôn Kon Năng Treang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Những năm qua, Trung ương đã đầu tư nhiều cho địa phương. Chúng tôi mong thời gian tới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để thu hút các nhà máy, khu công nghiệp đến hoạt động trên địa bàn. Đây là cơ hội để giúp con em đồng bào Tây Nguyên có việc làm, cải thiện thu nhập, cải thiện đời sống… góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Đắc Sơn