Mạnh tay với thực phẩm chức năng ''thổi phồng'' công dụng

Xã hội - Ngày đăng : 07:22, 15/12/2021

(HNM) - Dù đã được cảnh báo và tăng cường xử phạt nhưng thời gian qua, vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra khá phổ biến với nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi. Trong đó, hình thức vi phạm nhiều nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc điều trị bệnh. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm này.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Long Biên.

Đủ chiêu quảng cáo “thổi phồng”…

Chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 12-2021, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công khai khoảng 10 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo. Các hành vi vi phạm chủ yếu là "thổi phồng" công dụng sản phẩm; quảng cáo như thuốc chữa bệnh; lợi dụng hình ảnh nhân viên y tế, người bệnh để quảng cáo; quảng cáo khi chưa được cấp phép...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là các sản phẩm chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng cường thể trạng, tăng sức đề kháng, hỗ trợ làm giảm triệu chứng…, chứ không chữa được bệnh và không thể thay thế thuốc điều trị. Mọi người cần nhìn nhận đúng công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không nên cho là sản phẩm chữa bách bệnh và lạm dụng.

Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” công dụng như thuốc chữa bệnh, gồm: Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh thận, gan, tim mạch, xương khớp... Thậm chí, có sản phẩm thực phẩm được quảng cáo phải dùng lâu dài mới thấy tác dụng. Chính việc quảng cáo sai sự thật như vậy đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, điều này rất nguy hiểm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, về mặt pháp luật, việc “thổi phồng” công dụng thực phẩm chức năng như thuốc điều trị bệnh là gian dối về thương mại. Hơn thế nữa, vi phạm này còn là tội ác, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Bởi vì tin theo những lời quảng cáo, thay vì đến bệnh viện khám bệnh, nhiều người khi bị bệnh lại chọn mua thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe về sử dụng. Chỉ đến khi sử dụng một thời gian dài không thấy khỏi bệnh, họ mới đến bệnh viện thì đã bỏ qua giai đoạn “vàng” điều trị.

Từ thực tế việc xử phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga cho rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc quảng cáo các sản phẩm này “nở rộ” khắp mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng. Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp xử lý tình trạng này. Ngoài xử lý theo quy định, Bộ Y tế còn công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang web của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí đăng tải vi phạm để người tiêu dùng biết. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

“Đối tượng mở tên miền để quảng cáo nhưng nếu vi phạm, bị Cục An toàn thực phẩm phát hiện và yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó, thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Một hành vi vi phạm khác, đó là đối tượng đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài…”, bà Trần Việt Nga dẫn chứng.

Tăng cường giám sát, hậu kiểm

Trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục tăng cường giám sát, hậu kiểm các thực phẩm bảo vệ sức khỏe lưu thông trên thị trường. Người dân có bất cứ thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm an toàn thực phẩm, quảng cáo “thổi phồng” công dụng, quảng cáo như thuốc trị bệnh có thể liên hệ với Cục An toàn thực phẩm để cung cấp thông tin, từ đó, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đề nghị, trong năm 2022, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần tập trung vào một số nội dung, như: Giám sát, lấy mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh, thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn người tiêu dùng cảnh giác với các thực phẩm chức năng quảng cáo “thổi phồng” công dụng hiện nay. Cụ thể là quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế… Hoặc nhân viên gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Trước khi quyết định chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng nên tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web: https://cong khaiyte.moh.gov.vn/ và https:// nghidinh15.vfa.gov.vn. Ngoài ra, đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; đồng thời xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Mua sản phẩm phải có hóa đơn, đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.

Xuân Lộc