Nâng cao chất lượng cuộc sống
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 16/12/2021
Nhìn lại giai đoạn 2016-2020 có thể thấy, thị trường nhà ở của Hà Nội phát triển tích cực, tỷ lệ nhà kiên cố, diện tích nhà ở bình quân/người, tổng diện tích sàn nhà ở... đều vượt chỉ tiêu thành phố đề ra. Tuy nhiên, do tỷ lệ loại hình nhà ở không đồng đều nên nhà phân khúc giá rẻ, bình dân có số lượng hạn chế, khiến nhiều người rất khó để được sở hữu một chốn an cư.
Để thị trường nhà ở phát triển đúng định hướng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5019/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này là cơ sở để thành phố chủ động kiểm soát công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị, tái định cư, phục vụ lợi ích cộng đồng... Theo đó, kế hoạch phát triển nhà ở từng năm được xác định rất cụ thể. Trong đó, năm 2022, thành phố phát triển 241.000m2 sàn nhà ở xã hội, 152.000m2 sàn nhà tái định cư, 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ... Hết năm 2025, thành phố sẽ xây mới 44 triệu mét vuông sàn...
Như vậy, kế hoạch đã khá chi tiết, điều quan trọng là việc triển khai cần khẩn trương và hiệu quả.
Theo đó, để các dự án thực hiện thuận lợi, cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục rà soát thủ tục hành chính và cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch và chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, cấp thẩm quyền thành phố cần tăng cường giám sát để việc phát triển các phân khúc nhà sát nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, quản lý chặt tiến độ các dự án đang thi công để bảo đảm chỉ tiêu phát triển nhà ở hằng năm hoàn thành đúng kế hoạch. Có thể bổ sung chế tài mạnh hơn với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, chậm tiến độ thi công; cần nghiên cứu, xem xét đây là một tiêu chí để cấp phép khi chủ dự án đầu tư vào những dự án mới.
Ngoài việc thành phố chủ động dành nguồn lực từ ngân sách để phát triển nhà ở, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần có kế hoạch khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển nhà ở. Vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia phát triển nhà ở, đặc biệt với loại hình nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư...
Về lâu dài, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện gây ô nhiễm môi trường; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch để tạo quỹ đất phát triển nhà ở. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư khớp nối hạ tầng kỹ thuật các dự án xây dựng nhà ở với khu vực xung quanh, phát triển quỹ nhà ở tại các vùng ven đô, giảm áp lực nhà ở cho khu vực nội đô.
Chủ động triển khai kế hoạch bằng những giải pháp căn cơ, việc phát triển nhà ở tại Hà Nội sẽ góp phần tái cấu trúc đô thị, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng nhà ở, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.