Trách nhiệm với danh xưng “công dân Hà Nội”

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:34, 16/12/2021

(HNMCT) - Hôm cuối tuần trước, sau bữa cơm tối như thường lệ tôi lại đi đổ rác. Điểm đổ rác cách nhà vài chục mét, thường xuyên “túc trực” mấy chiếc xe đẩy luôn đầy “có ngọn” khiến rác và nước bẩn tràn cả xuống vỉa hè, cạnh đó là đống đồ cũ hỏng như ghế sô pha, giát giường… người ta vứt ra từ bao giờ.

Chưa nói tới mỹ quan đô thị, mùi xú uế nồng nặc, ruồi muỗi bay vo ve cũng đủ khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi, nhăn mặt. Vậy mà bây giờ mấy chiếc xe đẩy với đống đồ nát đã biến mất, vỉa hè sạch bong, không có tí đất cát nào, như chưa hề có “chân rác” tồn tại bao năm qua. Trên gốc cây bên cạnh còn treo biển “Cấm đổ rác ở đây”, phía dưới “chua” mức phạt theo quy định hiện hành đối với hành vi đổ rác bừa bãi, đồng thời chỉ dẫn điểm tập kết rác mới cách đó vài trăm mét, mà khi tôi đến thì đã thấy được quây lại bằng những tấm bạt in hình ảnh tuyên truyền sinh động, mang thông điệp “chung tay bảo vệ môi trường”, nom sạch sẽ, đẹp mắt!

Từ hôm ấy, mỗi lần đi qua chỗ đổ rác cũ tôi lại để ý và thấy mừng vì vỉa hè vẫn sạch đẹp. Thế nhưng, dọc đường gần đó thi thoảng vẫn xuất hiện một túi rác, không rõ “của nả” nhà nào. Thực ra chuyện này trước đây đã từng xảy ra. Dù điểm đổ rác (cũ) chỉ cách đôi chục bước chân, vậy mà không ít lần tôi chứng kiến cảnh người dân - không chỉ là mấy sinh viên, người ngoại tỉnh thuê nhà gần đó - đặt túi rác ra vỉa hè, thậm chí có người còn công khai vứt rác ra đường…

Những chuyện “trái mắt” tương tự không phải hiếm gặp trong đời sống xã hội. Nỗ lực của chính quyền và người dân Thủ đô trong nhiều năm qua đã mang lại những thành tựu đáng kể trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là điều không thể phủ nhận. Vậy nhưng trong cuộc sống hằng ngày vẫn còn không ít ứng xử chưa đẹp, gọi chính xác là thiếu văn hóa. Ngoài chuyện vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, tình trạng người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông cũng khá phổ biến. Chỉ vì muốn nhanh cho mình mà nhiều người sẵn sàng vượt đèn đỏ, lấn làn…, thế là xảy ra va chạm, dẫn đến cãi vã, chửi bới, thậm chí đánh lộn, cuối cùng thì tắc đường và ai cũng bị chậm. Như một tác giả đã nhận định, vấn đề nằm ở chỗ ai cũng muốn giành thuận lợi cho mình mà đổ khó khăn cho người khác, và đó chính là một biểu hiện lệch lạc trong nếp sống, lối sống của một bộ phận cư dân, đáng buồn là dường như không ai cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Hay như trong những đợt dịch vừa qua, bên cạnh đa số nghiêm túc chấp hành vẫn có không ít người không đeo khẩu trang, “thông chốt”, tụ tập ăn uống, phớt lờ quy định “5K”... Nguyên nhân của những "nếp sống", "lối sống" kiểu này phải chăng là vì vẫn có không ít người, nhất là lớp trẻ, cho rằng “cái tôi” của mình quá lớn, thậm chí đến mức tự cho phép khác biệt với số đông, trái với các quy định pháp luật và chuẩn mực xã hội? Song dù lý do là gì thì những hành vi, ứng xử phản cảm, thiếu văn hóa như vậy đã khiến Hà Nội ít nhiều trở nên xô bồ, nhếch nhác.

Một trong những hạn chế, yếu kém mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI đã thẳng thắn chỉ ra là “quảng bá văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn. Văn hóa ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chuyển biến chưa đồng đều, thiếu bền vững”. Vì vậy, để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thanh bình và đáng sống, để văn hóa thực sự trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, động lực phát triển Thủ đô thì phải chấn hưng văn hóa, và "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc” là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Phải làm sao để người sống ở Thủ đô, dù là bất cứ ai, từ đâu đến, đều nhận thức được tình yêu, niềm tự hào và ứng xử trách nhiệm với danh xưng “công dân Hà Nội”. Để làm được điều đó, ngoài biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, đặc biệt là tăng cường chế tài xử lý vi phạm, còn rất cần đến vai trò tuyên truyền, giáo dục của mỗi nhà trường, mỗi gia đình cũng như cộng đồng xã hội.

Hà Anh