Thúc đẩy áp dụng các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam vào cuộc sống
Công nghệ - Ngày đăng : 15:16, 16/12/2021
Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 1995. Giải thưởng tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Nhà nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng ban tổ chức giải thưởng nêu rõ, trải qua 30 năm tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và 26 năm Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, hàng nghìn công trình đoạt giải đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho cộng đồng chính là nguồn động viên, khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước hăng say đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong việc ứng dụng các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống, những tồn tại cần khắc phục để công tác tổ chức giải thưởng ngày càng tốt hơn. Đồng thời, đề xuất những kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm tạo động lực để thúc đẩy sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh (Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS) cho rằng, đầu tư khoa học và công nghệ để chủ động đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất, kinh doanh là con đường tất yếu của doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 và chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đổi mới công nghệ…
Bà Hạnh đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam hãy hỗ trợ cùng doanh nghiệp để biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực trong thời gian sớm nhất; chủ động kết nối cho doanh nghiệp tiếp cận, thực thi các cơ chế, chính sách đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện khi quyết định đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất.
Để thúc đẩy việc áp dụng các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam vào cuộc sống, tránh tình trạng nhận giải thưởng hoặc sau khi nghiệm thu, thanh quyết toán đề tài rồi để đấy, ông Hoàng Đức Thảo (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gợi ý các nhà khoa học, các đơn vị có phát minh, sáng chế… cần kết hợp, kết nối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ là nơi có khả năng và năng lực để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu này.
TS.LS Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bảo trợ Quỹ VIFOTEC, cho rằng để công tác tổ chức giải thưởng, hội thi ngày càng tốt hơn và đưa các công trình đoạt giải được ứng dụng nhanh hơn vào sản xuất và đời sống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nghiệp vụ tham gia giải thưởng đến tận cơ sở; đồng thời, kiến nghị với Nhà nước cho vay vốn để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải; có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại...
Tại hội thảo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trao cờ thi đua cho 3 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền giải thưởng (Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hà Nội, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc); trao Cờ thi đua cho 5 đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công trình đoạt giải thưởng, hội thi vào sản xuất và đời sống (Công ty cổ phần gốm Đất Việt, tỉnh Quảng Ninh; Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, thành phố Hà Nội; Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông (POC) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty cổ phần Công nghệ Quốc tế Đại Việt (Tập đoàn Đại Việt), thành phố Hà Nội; Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên); và trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam cho 7 cá nhân.