Du lịch Hà Nội có tác động rất lớn đến việc phục hồi du lịch cả nước

Du lịch - Ngày đăng : 20:55, 16/12/2021

(HNMO) - Vào ngày 17-12, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị kết nối du lịch giữa Hà Nội và các địa phương với chủ đề “Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương” để triển khai hiệu quả hơn các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển bền vững du lịch Thủ đô. Trước thềm hội nghị, Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh về hoạt động du lịch Thủ đô trong bức tranh chung của du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Cần cởi mở đón khách an toàn

- Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến của thị trường du lịch Việt Nam thời gian qua khi thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”?

- Trong đại dịch Covid-19, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng rất nặng nề, đến nay, với diễn biến dịch còn phức tạp, chúng ta chưa biết lúc nào hết dịch, vì thế các lĩnh vực, trong đó có du lịch, xác định phải “sống chung với dịch”. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc triển khai đón khách du lịch trong “tình hình mới” và kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam. Theo đánh giá chung, trong giai đoạn đầu triển khai, dù thời gian ngắn nhưng các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã có sự liên kết chặt chẽ, từ đó xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, giá thành hấp dẫn nên thu hút được nhiều du khách, bước đầu tạo hiệu ứng tốt cho thị trường. Trong đó, có những địa phương đã có sự chuyển biến tốt về lượng khách như: Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Sa Pa (Lào Cai)…

- Thời gian qua, dù là hai địa bàn đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, du lịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Điều này tác động tích cực thế nào đến việc phục hồi thị trường du lịch cả nước, thưa ông?

- Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thị trường du lịch quan trọng nên sẽ có tác động rất lớn đến việc phục hồi du lịch cả nước. Vừa qua, ngành du lịch hai thành phố đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo địa phương triển khai nhiều hoạt động, sự kiện, hội nghị, hội thảo tìm giải pháp phục hồi. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm mới hấp dẫn như tour xe đạp, tour đi bộ khám phá phố cổ tại Hà Nội, tour trải nghiệm trên sông của thành phố Hồ Chí Minh…, tạo sự hứng thú cho du khách. Hoạt động du lịch sôi nổi tại hai trung tâm du lịch sẽ là tín hiệu vui, góp phần vào việc nhanh chóng phục hồi thị trường của cả nước.

- Dù vậy, vẫn có những địa phương còn e ngại, chưa quyết liệt để mở cửa cho du lịch. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc phục hồi thị trường nói chung?

- Đúng là sự e ngại, chưa quyết liệt trong việc mở cửa cho du lịch còn tồn tại ở không ít địa phương, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc phục hồi du lịch. Chính vì thế, ngày 16-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh, các địa phương cần cụ thể hóa tiêu chí điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn theo Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL, đảm bảo sự thuận tiện, an toàn cho khách du lịch, thống nhất với chủ trương, quy định, hướng dẫn liên quan của các cơ quan trung ương và các địa phương khác. Tôi cho rằng, các địa phương cần thực hiện việc mở cửa du lịch đúng hướng dẫn, bởi nếu chậm thì có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng phục hồi thị trường.

Tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" ra mắt vào cuối tháng 10-2021 thu hút nhiều du khách Hà Nội trải nghiệm.

Du lịch Hà Nội sẽ sớm phục hồi

- Tại Hội nghị kết nối du lịch giữa Hà Nội và các địa phương, diễn ra vào ngày mai, 17-12, sẽ có hoạt động liên kết giữa cơ quan quản lý du lịch 12 tỉnh, thành phố để mở rộng hoạt động du lịch. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của hoạt động này trong việc phục hồi thị trường du lịch cả nước?

- Liên kết, hợp tác du lịch giữa các địa phương được coi là yêu cầu quan trọng để phục hồi du lịch, bởi như tôi đã nói, “hành lang du lịch” chỉ có thể khơi thông khi các địa phương cùng có chính sách thống nhất. Tới đây, cơ quan quản lý du lịch Hà Nội sẽ ký kết hợp tác với 11 tỉnh, thành phố vùng Đông - Tây Bắc, Trung du, miền Trung…, điều này có ý nghĩa lớn trong việc tạo động lực lan tỏa cho các địa phương bắt đầu khởi động lại du lịch. Tôi kỳ vọng, thông qua hội nghị này, Hà Nội và các địa phương sẽ tạo được “hành lang an toàn” đón khách, từ đó thúc đẩy việc phục hồi du lịch của Hà Nội và các địa phương.

- Ngoài việc cơ cấu lại sản phẩm, Hà Nội còn cần thực hiện thêm giải pháp nào để việc phục hồi thị trường được nhanh và hiệu quả hơn, thưa ông?

-  Hiện nay, xu hướng du lịch là đi ngắn ngày, theo nhóm nhỏ, bằng phương tiện cá nhân, đi gần. Với lợi thế có diện tích rộng lớn, thiên nhiên tươi đẹp, vùng nông nghiệp - nông thôn tiềm năng, Hà Nội có thể đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với thiên nhiên, du lịch nông nghiệp - nông thôn. Bằng chứng là, trong thời gian qua, những vùng ven Hà Nội luôn “cháy” phòng vào dịp cuối tuần. Đây là lợi thế rất lớn của Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 7-9-2021 về kích cầu và phục hồi du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu 6 nhóm nhiệm vụ để các địa phương, doanh nghiệp căn cứ để thực hiện các giải pháp phục hồi. Đó là: Hoàn thiện, triển khai các tiêu chí bảo đảm an toàn cho khách; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tăng cường công tác truyền thông xúc tiến quảng bá; triển khai công tác chuyển đổi số các điểm đến, hướng đến du lịch thông minh; có cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn do dịch Covid-19; đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch. Hà Nội có thể triển khai đồng bộ 6 giải pháp này theo tình hình thực tế của mình. Tôi tin, với những hoạt động khởi sắc trong thời gian qua, du lịch Hà Nội sẽ sớm phục hồi, góp phần vào việc phục hồi du lịch của cả nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Lân