Tăng cường chống dịch, có thể dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết
Đời sống - Ngày đăng : 20:19, 16/12/2021
Cụ thể, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 15-12, cả nước đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (chiếm 72,8%) và 28.500 ca tử vong. Hiện, số ca mắc tại cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Do đó, trong trường hợp cần thiết, tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Tỷ lệ tiêm tại nước ta vượt 20% mục tiêu của WHO
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 14-12, Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó mua từ ngân sách nhà nước hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ là hơn 88 triệu liều.
Đến nay, cả nước đã tiêm được 135 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 88% số vắc xin phân bổ trong 103 đợt. Số liều tiêm chủng cho người 18 tuổi trở lên là hơn 127 triệu liều, trong đó tỷ lệ tiêm 1 liều vắc xin chiếm 96,8%; tiêm đủ 2 liều chiếm 80,3% và hiện đã tiêm hơn 1 triệu liều mũi 3. Riêng với nhóm tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm được hơn 7,6 triệu liều, trong đó tỷ lệ tiêm 1 liều vắc xin chiếm 65,8% và tiêm đủ 2 liều chiếm 17,8%. Tính trên toàn bộ dân số, hiện đã tiêm được 77% liều mũi 1; 60% liều mũi 2.
Bộ Y tế đánh giá, từ đầu tháng 9-2021 đến tháng 12-2021, tốc độ tiêm chủng tại các địa phương tăng đáng kể. Trung bình một ngày tiêm được từ 1-1,5 triệu liều và tốc độ tiêm vắc xin của Việt Nam trong tháng 11-2021 đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Về tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin/dân số, Việt Nam xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Campuchia, Brunei). Mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vắc xin đến cuối năm 2021 và 70% đến giữa năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều vắc xin, vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021.
Về công tác điều trị Covid-19, Bộ Y tế đã phân công 16 bệnh viện trung ương hỗ trợ 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía Nam có số ca nặng và tử vong cao. Cùng với đó, Bộ Y tế cơ bản đã bảo đảm đủ nhu cầu đối với các thuốc phòng, chống dịch, đặc biệt là với 46 thuốc quy định tại Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28-5-2021 của Bộ Y tế.
Tăng cường giám sát, quản lý F0 tại cộng đồng
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, theo Bộ Y tế, trong trường hợp cần thiết, tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú. Cùng với đó, truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện triệt để “5K”, thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân” và các biện pháp khác.
Bộ Y tế cũng yêu cầu, các tỉnh, thành phố khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, bảo đảm bao phủ đủ mũi cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Đồng thời, khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch, đẩy nhanh việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế; đề xuất nhu cầu vắc xin và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022-2023 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...
Về công tác điều trị, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Cùng với đó, huy động chính quyền cơ sở tham gia rà soát, phân loại nguy cơ người bệnh, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao. Thực hiện “chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” như: Khẩn trương tiêm vắc xin cho các đối tượng chưa tiêm đủ 2 mũi, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh nền; các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý F0 tại cộng đồng. Tăng cường đội y tế lưu động, huy động tổ dân phố, tình nguyện viên, khoảng 10.000 dân có một trạm y tế lưu động.
“Để ứng phó với tình hình dịch Covid-19, phải nâng cao năng lực y tế cơ sở với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”. Từ đó, nâng cao năng lực giám sát của hệ thống y tế dự phòng, năng lực chăm sóc, cấp cứu, điều trị, dự phòng, quản lý người bệnh của tuyến y tế cơ sở”, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta
Đến ngày 15-12, thế giới ghi nhận gần 272 triệu ca mắc Covid-19, trên 5,3 triệu trường hợp tử vong. Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở 4 châu lục và ít nhất 77 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. WHO đánh giá, Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron làm giảm hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 cũng như chưa có bằng chứng tăng tỷ lệ nặng và tử vong.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.