Giám sát việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn Hà Nội
Chính trị - Ngày đăng : 16:19, 16/12/2021
Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các sở, ngành liên quan của thành phố tham dự hội nghị.
Báo cáo của huyện Phúc Thọ cho biết, số lượng các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp theo quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 là 3 xã Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà. Huyện đã triển khai thực hiện sáp nhập với 3 xã liền kề. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có một cặp xã phải để lại do có ý kiến không đồng ý về tên gọi xã mới (Vân Hà, Vân Nam). Vì vậy, huyện Phúc Thọ đã sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Phương Độ sáp nhập với Sen Chiểu để thành lập xã Sen Phương; Cẩm Đình sáp nhập với Xuân Phú để thành lập xã Xuân Đình. Song song với thành lập xã là thành lập Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tương ứng. Việc công bố quyết định thành lập Đảng bộ, chính quyền được thực hiện đúng ngày 1-3-2020.
Trong đó, tổng số đầu mối các cơ quan, tổ chức, đơn vị giảm được sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là 22 cơ quan, đơn vị (trước sáp nhập có 48 cơ quan, đơn vị); tổng số biên chế giảm được sau khi thực hiện sắp xếp là 34 người.
Còn tại quận Hai Bà Trưng, số lượng các đơn vị hành chính thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp theo quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 là 4 phường: Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Phạm Đình Hổ, Ngô Thì Nhậm. Quận đã triển khai thực hiện sáp nhập phường Nguyễn Du và Bùi Thị Xuân thành phường Nguyễn Du, còn Phạm Đình Hổ với Ngô Thì Nhậm thành phường Phạm Đình Hổ.
Trong đó, tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở 4 đơn vị hành chính trước khi sắp xếp là 118 người và sau khi sắp xếp còn 60 người. Đặc biệt, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động được quận triển khai thực hiện hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về những bài học thành công, thuận lợi, khó khăn và kiến nghị sau khi thực hiện sắp xếp. Các đại biểu đánh giá cao việc huyện Phúc Thọ và quận Hai Bà Trưng đã tổ chức thành công việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện một cách bài bản, khoa học, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai thực hiện.
Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã thực sự gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn được nâng cao. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính giúp giảm đầu mối các cơ quan, đơn vị, do đó thuận tiện cho công tác chỉ đạo của quận, huyện đến cơ sở bảo đảm kịp thời, thông suốt.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cho biết, mục đích của đợt giám sát chuyên đề là xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021. Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị, huyện Phúc Thọ và quận Hai Bà Trưng cần tiếp tục đánh giá những tác động cụ thể sau khi sắp xếp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2030. Đồng thời, các địa phương cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể để Đoàn giám sát làm cơ sở pháp lý hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.