Sức sống mới cho ca trù Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 07:11, 17/12/2021

(HNM) - Thành phố Hà Nội vừa tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ca trù trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2018-2021. Kết quả khảo sát cho thấy, di sản này đang có sự hồi sinh mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, tạo đà thuận lợi tiến tới mục tiêu đưa ca trù ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp theo khuyến cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Biểu diễn ca trù tại Câu lạc bộ Bích Câu đạo quán, một trong những địa chỉ tôn vinh, quảng bá di sản ca trù của Hà Nội.

Nỗ lực “lội ngược dòng”

Là một trong những cái “nôi” lớn của ca trù trên cả nước, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm phục hồi, bảo vệ ca trù ngay từ khi di sản này được đưa vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO (năm 2009). Thành phố đã thực hiện các nhóm giải pháp, gồm: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm gìn giữ di sản; hỗ trợ kinh phí, địa điểm, kinh nghiệm truyền dạy, thực hành, quảng bá, giới thiệu di sản; tôn vinh nghệ nhân nắm giữ di sản…

Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ biến mất khỏi đời sống cộng đồng, ca trù ở Hà Nội đang “lội ngược dòng” ngoạn mục, với sự lớn mạnh không ngừng của các giáo phường, câu lạc bộ bảo tồn di sản, địa chỉ giao lưu, trình diễn... Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, ca trù Hà Nội đã có những khởi sắc hơn so với giai đoạn trước, thể hiện qua mức độ thực hành di sản được duy trì thường xuyên, sự mở rộng về số lượng người tham gia thực hành di sản và các câu lạc bộ hoạt động.

“Từ chỗ chỉ có một vài giáo phường, câu lạc bộ hoạt động lay lắt, hiện toàn thành phố đã có tới 16 câu lạc bộ, giáo phường thực hành truyền dạy, quảng bá ca trù với gần 300 hội viên…; nhiều địa chỉ biểu diễn ca trù với lịch định kỳ, như: Đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc), đền Quan Đế (phố Hàng Buồm), Bích Câu đạo quán, Cao sơn trà quán, Bụt trà quán… Hà Nội cũng là một trong những địa phương có số nghệ nhân được tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nhiều nhất, trong đó số nghệ nhân ca trù thường xuyên dẫn đầu ở loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian”, bà Phạm Thị Lan Anh thông tin.

Còn theo đánh giá của Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Tô Ngọc Thanh, Hà Nội đang có lớp nhân tố mới với vốn hiểu biết và khả năng thực hành ca trù phong phú. Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống của loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại. Đó chính là biểu hiện của mức độ phổ biến ca trù trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Bên cạnh những khởi sắc, đời sống di sản ca trù ở Hà Nội cũng còn không ít nỗi lo. Một trong số đó là đặc thù lớp nghệ nhân, những người nắm vững cách thức trình diễn đúng quy chuẩn, hầu hết đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”; nhiều nghệ nhân đã qua đời do tuổi cao sức yếu; nhiều nghệ nhân không còn đủ sức khỏe để thực hành, truyền dạy cho thế hệ kế cận.

Ca trù cũng “kén” từ người nghe đến người diễn, cần rất nhiều thời gian để học nghề cũng như thẩm thấu cái hay, cái đẹp của di sản, trong khi đó, không mấy người có thể sống được bằng nghề. Cơ chế, chính sách đối với nghệ nhân còn chưa có định mức, khó cho việc đề xuất hỗ trợ; nguồn lực xã hội hóa đối với lĩnh vực này còn rất hạn chế.

Bảo tồn bền vững di sản ca trù

Thực tế đời sống nghệ thuật ca trù ở Hà Nội những năm gần đây cho thấy, dù có nhiều khởi sắc, song vẫn cần có thêm những giải pháp mới, tạo sức sống bền vững cho di sản. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, trong đó có ca trù.

“Các giải pháp tập trung cho việc bảo tồn, phát huy giá trị trong giai đoạn mới, gồm: Rà soát hệ thống văn bản pháp quy liên quan, tạo cơ sở quản lý, chỉ đạo thường xuyên và đồng bộ; đề xuất chính sách, chế độ đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân hằng năm; tạo môi trường sinh hoạt, biểu diễn, thực hành thường xuyên. Cùng với đó là tổ chức các đợt giao lưu, học hỏi kinh nghiệm truyền dạy, thực hành hát ca trù thường xuyên để nâng cao chất lượng; tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí hoạt động trình diễn và truyền dạy; giới thiệu nghệ thuật, trình diễn ca trù tại các điểm di tích, đưa vào nội dung các tour du lịch”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.

Tham góp ý kiến với thành phố, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho rằng, trăn trở nhất hiện nay là làm sao việc truyền dạy nghệ thuật trình diễn ca trù bảo đảm các chuẩn mực, không để bị sai lệch, phai nhạt.

“Tôi đề xuất Hà Nội, bên cạnh các giải pháp đã đề ra, cần chú trọng định hướng nội dung này để ca trù Thủ đô trở thành chuẩn mực về nghệ thuật này trên cả nước. Có như vậy, di sản mới được bảo tồn, phát huy một cách bền vững, đúng với giá trị của nó”, ông Đặng Hoành Loan bày tỏ.

Nguyễn Thanh