Công trình cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy

Đời sống - Ngày đăng : 15:13, 17/12/2021

(HNMO) - Sáng 17-12, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), Báo Xây dựng đã phối hợp tổ chức hội thảo "Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp".

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, tính đến tháng 12-2020, cả nước có 3.618 nhà cao tầng, trong đó có 1.106 nhà chung cư, 935 công trình là nhà nghỉ, khách sạn, 747 công trình là văn phòng, 594 công trình hỗn hợp…

Với đặc điểm công năng đa dạng, thường xuyên tập trung đông người, việc bố trí mặt bằng, đường thoát nạn phức tạp, công trình cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến công tác PCCC ở nhà cao tầng là ý thức của người đứng đầu cơ sở, đơn vị quản lý vận hành công trình.

"Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC ở nhà cao tầng cho thấy một số vi phạm phổ biến như: Điều kiện giao thông, khoảng cách an toàn chưa đáp ứng được yêu cầu phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hoạt động", Đại tá Bùi Quang Việt chia sẻ.

Chia sẻ về các yếu tố bảo đảm phòng cháy tại các công trình cao trình, TS. Hoàng Anh Giang, Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành kết cấu xây dựng, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, quy định kỹ thuật về phòng cháy của công trình dựa trên hai yếu tố chính: Công năng và quy mô (diện tích, chiều cao) của công trình. Trong đó, vai trò của vật liệu, kết cấu và các bộ phận nhà là quan trọng, giúp hạn chế các yếu tố nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng (khói, khí độc, nhiệt độ cao). Quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hành của Việt Nam chủ yếu được biên soạn, xây dựng dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước ngoài, tuy đã điều chỉnh theo điều kiện quốc gia song cũng chưa thể cân nhắc được hết tất cả các yếu tố liên quan. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa hiện chưa đầy đủ...

Theo Th.S Cao Tiến Phú, Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sự cố cháy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân cháy gây nhiều thiệt hại chủ yếu là do lửa lan rộng, khói phát ra quá nhanh gây khó khăn trong công tác cứu hộ. 

Để hạn chế thiệt hại, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu thiết kế, việc sử dụng các vật liệu chống cháy, có giới hạn chịu lửa sẽ hạn chế mức độ nguy hiểm. Một số sản phẩm như: Vữa chống cháy, băng keo chống cháy, sơn chống cháy, tấm vật liệu thạch cao chống cháy... đang được nhiều đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng lựa chọn dùng để nâng cao tính chịu lửa của cấu kiện, bộ phận ngăn cháy trong công trình, song việc sử dụng chưa nhiều.

Còn bà Vũ Kiều Hạnh, đại diện Savills Hà Nội cho rằng, thời gian qua còn tình trạng nhiều tòa nhà đã đưa vào vận hành nhưng chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC; công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống PCCC tại các tòa nhà chưa được quan tâm thường xuyên. Ngoài ra, còn nhiều người dân chưa nắm rõ kiến thức, kỹ năng về PCCC. 

Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu thực tế tại các công trình xảy ra cháy, kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống ứng phó với sự cố cháy, nổ của người dân còn thấp, hầu hết thường hoảng loạn, mất bình tĩnh dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Do đó, TS. Nguyễn Anh Thơ cho rằng, việc tập huấn, huấn luyện PCCC là giải pháp cốt lõi giảm thiểu nguy cơ, thiệt hại do cháy gây ra. Việc phòng cháy cần phải trở thành một nguyên tắc, ý thức của từng người dân, người lao động, chủ tòa nhà, công trình...

Dạ Khánh