Khẳng định vai trò, sự tinh nhuệ của lực lượng Cảnh sát cơ động để có chính sách phù hợp

Chính trị - Ngày đăng : 19:06, 17/12/2021

(HNMO) - Chiều 17-12, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV do Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội nhằm khảo sát phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn tiếp đoàn công tác. Cùng dự có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai. Nhìn chung, các đại biểu đồng tình với dự án luật, tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau xoay quanh chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Cảnh sát cơ động. Do đó, Đoàn công tác muốn lắng nghe ý kiến từ thực tiễn để làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, cơ quan của thành phố Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh nâng từ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013 lên thành luật là cần thiết. Đóng góp cụ thể, nhiều ý kiến nhất trí dự thảo luật quy định nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động là một trong những nhiệm vụ chính, nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Quá trình tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát cơ động sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật và động vật nghiệp vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các đại biểu cũng đồng tình việc dự thảo luật quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp Cảnh sát cơ động được mang theo người vũ khí lên máy bay dân sự. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu đối chiếu với các Điều ước quốc tế về nội dung này, nhất là trong trường hợp máy bay dân sự là của nước ngoài.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo nghiên cứu, phân định rõ trách nhiệm, quy định phối hợp với lực lượng Quân đội để tránh chồng chéo với mục tiêu bảo vệ của Quân đội.

Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, bởi đây là lực lượng ăn ở tập trung, thường xuyên huấn luyện, ứng trực 24/24 giờ, thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm...

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đóng góp ý kiến.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, quốc gia nào cũng có lực lượng đặc nhiệm để giải quyết những tình huống đặc biệt. Các thành viên tham gia lực lượng này có tố chất đặc biệt, được cơ chế tuyển chọn, huấn luyện bồi dưỡng, trang bị phương tiện đặc biệt và cần được hưởng chế độ chính sách đặc biệt. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, UBND thành phố Hà Nội nhất trí cao việc điều chỉnh nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013 lên thành luật. Đồng chí cũng cho rằng, để tránh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động lạm dụng quyền hạn thì cần quy định rõ ranh giới giữa được và không được làm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng cho rằng, cần chỉnh sửa một số từ ngữ để bảo đảm sự chặt chẽ, khẳng định rõ vai trò, sự tinh nhuệ của lực lượng Cảnh sát cơ động, từ đó làm cơ sở để nghiên cứu áp dụng chế độ chính sách phù hợp.

Trung ướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó cùng với Ban soạn thảo tính toán các phương án chỉnh sửa, hoàn thiện dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Phong Thu