Châu Âu siết chặt quản lý các công ty công nghệ lớn: Hướng tới không gian kỹ thuật số lành mạnh
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 18/12/2021
Theo trang Politico, trong hai thập kỷ qua, các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Mặc dù lợi ích của sự chuyển đổi này là rõ ràng, nhưng vị trí thống trị mà một số công ty hay nền tảng đạt được đã mang lại cho họ lợi thế đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời có ảnh hưởng đối với xã hội và nền kinh tế. Để giải quyết sự mất cân bằng này, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực nâng cấp các quy tắc hiện hành điều chỉnh các dịch vụ kỹ thuật số bằng cách đưa ra Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), tạo ra một bộ quy tắc thống nhất áp dụng trên toàn khối.
Mục đích của Đạo luật Thị trường kỹ thuật số là bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho tất cả công ty kỹ thuật số. Đạo luật đưa ra quy tắc rõ ràng cho các nền tảng lớn - với danh sách những hành động "Được" và "Không được" làm - nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh của các "gã khổng lồ" trong ngành công nghệ như Amazon, Meta/Facebook, Alphabet/Google, Apple và Microsoft, ngăn các “ông lớn” này áp đặt các điều kiện không công bằng lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong khi đó, Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất một năm trước nhằm đưa ra định hướng buộc các công ty công nghệ phải có trách nhiệm hơn đối với các nội dung trên nền tảng của mình, tạo ra một không gian kỹ thuật số an toàn hơn cho người dùng và các công ty. Trong các vấn đề cốt lõi mà đạo luật này hướng tới giải quyết có việc mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và nội dung bất hợp pháp trực tuyến cũng như các hệ thống thuật toán khuếch đại sự lan truyền của thông tin sai lệch, thù địch.
EP đã thảo luận về Đạo luật Thị trường kỹ thuật số ngày 14-12 và thông qua ngày 15-12. Các cuộc đàm phán với các chính phủ EU dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2022. Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng và thị trường nội khối thuộc EP cũng đã thông qua Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số ngày 14-12. Văn bản này sẽ được toàn thể Nghị viện xem xét và biểu quyết vào tháng 1-2022, cho phép các cuộc đàm phán với các nước EU bắt đầu vào nửa đầu năm sau. Theo hãng tin AFP, việc hoàn tất các cuộc đàm phán và đưa Đạo luật Thị trường kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số trở thành luật chính thức đã trở thành một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU kéo dài 6 tháng của Pháp, bắt đầu từ tháng 1-2022.
Các công ty công nghệ lớn và các nhóm lợi ích khác đang vận động hành lang để tác động đến nội dung của các đạo luật, còn các quốc gia thành viên EU đang phải cân nhắc thận trọng trước các ưu tiên quốc gia riêng của họ. Trong khi đó, tổ chức Người tiêu dùng châu Âu nhận định, những đạo luật này sẽ mang lại cho người tiêu dùng một phần lợi ích lớn hơn từ các dịch vụ kỹ thuật số, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên EU tuân thủ những thay đổi mà các nhà lập pháp của khối đưa ra. Tổ chức này cũng cho rằng điều quan trọng là EU đặt ra tiêu chuẩn nhằm bảo đảm nền kinh tế kỹ thuật số hoạt động vì lợi ích của người tiêu dùng hơn là vì lợi ích độc quyền của những "gã khổng lồ" công nghệ.
Các nhà phân tích cho rằng, những đạo luật này phần nào thể hiện nỗ lực của châu Âu trong việc điều tiết lĩnh vực công nghệ, bảo vệ quyền lợi của người dùng.