Bưu chính hỗ trợ nông dân bán hàng online

Kinh tế - Ngày đăng : 06:23, 18/12/2021

(HNM) - Thời gian gần đây, nông dân ở nhiều địa phương đã biết giới thiệu, bán hàng trực tuyến (online), thậm chí còn tham gia kết nối đưa một số đặc sản vùng miền ra thị trường nước ngoài. Điều này có được một phần là nhờ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bưu chính trong nỗ lực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn.

Nhân viên Bưu điện tỉnh Hòa Bình hướng dẫn người dân chụp ảnh giới thiệu sản phẩm cam trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Quốc Bảo

Hướng dẫn giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Ông Đặng Văn Hà, hợp tác xã Hà Phong (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cho biết, hợp tác xã có khoảng 150ha trồng cam, sản lượng 1.000 tấn. Được sự hướng dẫn của nhân viên bưu điện, bà con đã mở “gian hàng số” trên sàn thương mại điện tử Postmart (https://postmart.vn) của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post). Từ đó, ngoài kênh bán hàng truyền thống, người dân trong xã có thêm kênh tiêu thụ mới hiệu quả.

Hay như trang trại trồng cam của gia đình ông Nguyễn Sinh, xã Hương Xuân (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế), do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lượng cam trong vườn còn hơn một nửa chưa tìm được đầu ra. Sau khi nhân viên Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế tới hướng dẫn cách bán hàng trên sàn https://postmart.vn, gia đình ông Sinh đã nhận được nhiều đơn hàng. Tương tự, anh Lăng Văn Hưng, thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, sau khi mở tài khoản trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (https://voso.vn) của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), anh đã “chốt” được 82 đơn hàng với 880kg na; giá bán qua sàn cũng cao hơn so với bán ở chợ…

Để các hộ sản xuất nông nghiệp làm quen với việc bán hàng trực tuyến, cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp bưu chính phải xuống tận vườn, ruộng hỗ trợ bà con. Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Truyền thông Vietnam Post Nghiêm Tuấn Anh thông tin, việc hướng dẫn nông dân đa phần là “cầm tay chỉ việc” ngay tại vườn, ruộng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Post có thêm hình thức đào tạo trực tuyến qua mạng xã hội, giúp nông dân nắm quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Còn theo Giám đốc chiến lược Viettel Post Cao Cẩm Linh, đơn vị đã tổ chức tập huấn (cả trực tiếp và trực tuyến) cho hơn 2,5 triệu lượt hộ sản xuất nông nghiệp. Ngoài quy trình đưa sản phẩm lên sàn, nông dân được hướng dẫn chụp hình, phát trực tiếp (livestream) tương tác với khách hàng. Mặt khác, nhân viên của Viettel Post đến tận vườn hướng dẫn bà con từ khâu thu hoạch, loại bỏ quả hỏng, đến đóng gói trong hộp tiêu chuẩn để sản phẩm tới tay người tiêu dùng được tươi ngon nhất.

Phát huy kết nối cung - cầu hiệu quả

Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Vietnam Post Phan Trọng Lê cho biết, đến nay, Postmart đã đưa sản phẩm của hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản. Tương tự, Viettel Post đã hỗ trợ hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, qua đó có hơn 36.000 giao dịch tiêu thụ 12.884 tấn hàng với trị giá 74,3 tỷ đồng. Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của Vietnam Post và Viettel Post, vải thiều Bắc Giang đã tiêu thụ tại thị trường nước ngoài.

Về hướng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới, ông Phan Trọng Lê thông tin, năm 2022, Vietnam Post sẽ hỗ trợ thêm 2,5 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart. “Chúng tôi cũng tận dụng hệ thống mạng lưới 63 bưu điện tỉnh, thành phố với hơn 13.000 điểm phục vụ để trưng bày nông sản”, ông Phan Trọng Lê cho biết.

Còn theo Phó Tổng giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn, trong năm 2022, đơn vị đặt mục tiêu đưa sản phẩm của 5 triệu hộ nông dân lên sàn, tiếp tục tập huấn kỹ năng chuyển đổi số để nông dân chủ động mở rộng kinh doanh. “Vỏ Sò phấn đấu trở thành sàn thương mại điện tử số 1 về đặc sản Việt Nam, giúp kết nối nhà sản xuất và nông dân với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng nội địa lẫn quốc tế, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam trên thế giới”, ông Đinh Thanh Sơn kỳ vọng.

Theo đánh giá của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), các doanh nghiệp bưu chính lớn, như: Vietnam Post, Viettel Post… đã có kinh nghiệm vận chuyển thành công nhiều loại nông sản và thực tế đã xây dựng mô hình dịch vụ logistics chuyên biệt dành cho nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu lưu trữ, bảo quản, vận chuyển nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, mạng lưới vận chuyển khắp cả nước, phương tiện vận chuyển đa dạng, chuyên dụng, có thể kết nối đến tận xã, phường, ra thị trường nước ngoài, cùng đội ngũ nhân lực đông đảo của doanh nghiệp bưu chính sẽ trực tiếp hỗ trợ bà con nông dân mà không phải qua khâu trung gian, qua đó cung cấp sản phẩm bảo đảm giá bình ổn cho người tiêu dùng.

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử ngày càng trở nên hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản. Thông qua các sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp bưu chính, các hộ sản xuất nông nghiệp có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước, mở rộng kênh tiêu thụ, tổ chức phân phối các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, theo cách thức hiện đại, phù hợp với thị hiếu.

Việt Nga