Ăn thực phẩm sống: Coi chừng ngộ độc
Xã hội - Ngày đăng : 05:17, 19/12/2021
Nguy hại từ thói quen không tốt
Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Viết Sáng, khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Cách đây không lâu, khoa tiếp nhận một số bệnh nhân bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn Vibrio vulnificus (V. vulnificus). Đa số các bệnh nhân nhiễm khuẩn này có diễn biến nặng nhanh chóng, xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao. Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.V.Đ. (sinh năm 1961, ở Hải Phòng) có tiền sử mắc bệnh gan do uống nhiều rượu, trước đó có ăn hàu sống. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, nôn và tiêu chảy nhiều lần kèm sốt cao. Sau vài giờ nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, kèm nổi ban phỏng nước, xuất huyết, hoại tử diện rộng ở da...
Theo Tiến sĩ Vũ Viết Sáng, ăn hải sản sống hoặc nấu chưa kỹ, đặc biệt là hàu, rất dễ lây bệnh. Một thống kê ở 180 bệnh nhân nhiễm trùng do V.vulnificus cho thấy có 92,8% bệnh nhân có ăn hàu sống trong vòng hai ngày trước đó. Thời gian ủ bệnh là 3 giờ đến 6 ngày.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi ăn hàu sống, các vi khuẩn này chưa được tiêu diệt, do đó chúng theo thực phẩm vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Nhiễm những vi khuẩn này có thể dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, sốt và nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết.
Cùng với ngộ độc khi ăn hải sản tươi sống, thời gian vừa qua, tình trạng bệnh nhân bị tàn phế hay tử vong do ăn tiết canh sống vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Như trường hợp bệnh nhân nam 30 tuổi ở tỉnh Lào Cai được đưa vào viện trong tình trạng suy gan, suy thận, có rối loạn đông máu. Người nhà bệnh nhân cho biết, 3 ngày sau khi mổ lợn, đánh tiết canh liên hoan cùng bạn bè, bệnh nhân bắt đầu sốt cao, rét run, đau mỏi người, xuất huyết dưới da toàn thân nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám, sau đó được chuyển lên tuyến trên. Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này còn bị nhiễm trùng máu, tình trạng rất nặng, được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay, liên cầu lợn do một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Bệnh lây truyền khi người tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín, ăn các món ăn tái như tiết canh, nem chua, nem chạo.
Thận trọng khi sử dụng
Bởi những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo: Trẻ em, người cao tuổi, những người có hệ miễn dịch bị tổn hại, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên tránh ăn hải sản sống, đặc biệt là món hàu. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng, hàu chứa một lượng kẽm đặc biệt cao. Tuy nhiên, dù khoáng chất này rất quan trọng đối với sức khỏe, nhưng nếu ăn quá nhiều có thể làm giảm tỷ lệ chất đồng và sắt trong cơ thể mà kẽm phải cạnh tranh để hấp thụ. Ngoài ra, những người bị dị ứng với hải sản nên tránh ăn hàu.
Với liên cầu lợn, các chuyên gia cho biết, nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể nặng hơn với các biểu hiện như sốc nhiễm độc, trụy mạch, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, thậm chí hôn mê và tử vong. Đối với những bệnh nhân hồi phục, bệnh liên cầu lợn vẫn có thể để lại di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, thậm chí điếc hoàn toàn.
Hiện có không ít người dân quan niệm rằng lợn của nhà nuôi là lợn sạch, lợn khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh nên có thể đánh tiết canh để ăn. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, vì lợn nuôi sạch không đồng nghĩa với vi khuẩn gây bệnh không tồn tại trong lợn. Liên cầu khuẩn lợn đôi khi không gây bệnh trên con vật, nhưng có thể gây bệnh với người có sức đề kháng kém.
Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; chỉ ăn các món từ thịt lợn đã được nấu chín. Tuyệt đối không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái như gỏi, nem chua, nem chạo, đặc biệt là tiết canh; sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt là khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.
Bên cạnh đó, khi có vết thương hở hoặc có các vùng da bị tổn thương thì không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc. Rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng. Luôn dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.