Sôi động thị trường hàng hiệu

Kinh tế - Ngày đăng : 05:28, 19/12/2021

(HNNN) - Đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn cho đời sống xã hội, tuy nhiên, với những giải pháp phù hợp, bảo đảm “mục tiêu kép” nên không ít người đã tận dụng tốt cơ hội, biến nguy thành cơ. Dù chỉ là một phân khúc nhỏ, nhưng sự sôi động của thị trường hàng hiệu phần nào thể hiện điều đó.

Vẫn có phân khúc riêng

Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ nhiều loại hàng hóa sụt giảm, song phân khúc sản phẩm hàng hóa xa xỉ của Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt 974 triệu USD, giảm 6% so với năm 2019, nhưng sự hồi phục được dự báo sẽ diễn ra nhanh chóng, được dự báo tăng 17% trong năm nay. Đặc biệt, theo tính toán của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm của Việt Nam sẽ đạt hơn 9% trong vòng 5 năm tới.

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, thực tế dung lượng thị trường hàng xa xỉ Việt Nam lớn hơn con số thống kê gần 1 tỷ USD rất nhiều bởi đối tượng khách hàng mua trực tiếp hàng xa xỉ tại Việt Nam thuộc nhóm khách hàng cận giàu, với mức thu nhập khoảng 75.000 - 100.000 USD/năm. Trước đó, RBNC đã tính toán rằng đến năm 2020, nhóm khách hàng này chiếm 15% dân số Việt Nam. Ngoài số này, nhóm người thu nhập trên 100.000 USD mỗi năm, giàu và siêu giàu, mua hàng từ nước ngoài, hàng xa xỉ theo hình thức chuyển phát nhanh, “xách tay”... cũng rất đông đảo. Hiện tại, nhằm bán ra nhiều sản phẩm hơn cho phân khúc khách hàng tiêu dùng cận giàu đang có nhu cầu nhiều hơn ở Việt Nam, các thương hiệu cao cấp bắt đầu đẩy mạnh phân khúc sản phẩm với giá bán vài trăm đến vài ngàn đô la.

Những ngày cuối tháng 10, khi nghe tin thành phố cho phép nhiều hoạt động được quay trở lại, trong đó có trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối... Thúy An, 21 tuổi (phố Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm) hí hửng rủ nhóm bạn bè thân thiết đi “tậu” một vài mẫu mới để dạo phố cuối tuần. “Tôi muốn đến tận nơi để trải nghiệm không gian mua sắm, lựa chọn những kiểu dáng mới lạ, phụ kiện phù hợp với phong cách thời trang của mình” - Thúy An chia sẻ. Kết quả của đợt “cuồng” mua sắm nói trên khiến cô chi trả 5 triệu đồng.

Trong khi đó, Đức Tâm, 27 tuổi, chủ một chuỗi trà sữa chân trâu ở quận Cầu Giấy đã rủ anh chị em trong nhà sang Trung tâm thương mại Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) để mua một số bộ sưu tập túi và phụ kiện của thương hiệu Mango, Levi’s... Ước tính nhóm của Tâm đã tiêu khoảng 15 triệu đồng/người.

Việc “cuồng” mua sắm ở phân khúc hàng hiệu cũng không kém cạnh. Đặc điểm của nhóm mua hàng hiệu trung và cao cấp, xa xỉ không thích mua qua mạng, vì giá trị món đồ từ vài chục triệu đồng trở lên, thậm chí, với những phiên bản giới hạn thì họ phải đặt trước.

Là “tín đồ” của hàng hiệu cao cấp, sau vài tháng ở trong nhà vì dịch, chị Ngọc Diệp (phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm) đã nhanh chóng đến Tràng Tiền Plaza để chọn những mẫu vừa lên kệ. Tuy nhiên, khi chị tới nơi, nhân viên chăm sóc khách hàng thông báo những món đồ mà chị đã nhắm trước như vòng tay của Tiffany & Co đều đã không còn. Vì vậy, chị chọn được chiếc khăn quàng BURBERRY và túi SALVATORE FERRAGAMO. Chị cũng giữ liên lạc với nhân viên chăm sóc khách hàng của Tiffany & Co để có thể sớm nhận được thông tin khi những dòng sản phẩm trang sức của hãng lên kệ trở lại.

Bất chấp khó khăn, phân khúc sản phẩm hàng hóa xa xỉ của Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt 974 triệu USD và dự báo sẽ tăng 17% trong năm nay.

Hồi sinh từ “đống tro tàn”

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT IPPG (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương), đơn vị sở hữu 3 tên tuổi trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hiệu trung và cao cấp là DAFC, ACFC và CMFC cho hay, sau thời gian giãn cách nghiêm ngặt, chỉ trong 2 tuần, khi hàng trăm mẫu mã mới về tới Việt Nam, khách hàng ùa đến trung tâm mua sắm lấy hàng. Doanh số của DAFC tăng gấp 3 lần so với trước dịch, đạt 150 tỷ đồng, có người đã chi hàng tỷ đồng để mua một món đồ. “Chúng tôi đã có 2 tuần lễ bội thu trong lĩnh vực thời trang cao cấp”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Theo bà Claudia D’Arpizio, chuyên gia của Bain & Co về lĩnh vực hàng xa xỉ, người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tích cực trở lại các cửa hàng dù vẫn chưa thể bằng với mức độ trước đại dịch. Nhưng xu hướng “mua sắm trả thù” đang thực sự hiện hữu.

Nếu như năm 2020, các thương hiệu đã được “làm quen” với ảnh hưởng của đại dịch thì năm 2021 này, một lần nữa họ phải suy nghĩ thực sự nghiêm túc về các chiến lược để “hồi sinh từ đống tro tàn”. Nắm bắt tâm lý của khách hàng, các thương hiệu âm thầm chuẩn bị để sau giãn cách có cơ hội “bung sức”. Có thể nói, dịch Covid-19 đem đến cơ hội cho nhiều thương hiệu sở hữu vị trí mặt bằng đẹp với chi phí hợp lý. Cuối năm cũng là thời điểm mua sắm lớn với nhiều ngày lễ, các thương hiệu sẽ chớp thời cơ bung sức thu hút khách hàng.

Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho giới kinh doanh đồ cao cấp. Cũng sau đại dịch, nhiều nhãn hàng đồ xa xỉ như Chanel và LV đã đồng loạt tăng giá từ 4 - 5%, thậm chí có mặt hàng tăng trên 20%, nhằm bù đắp cho tình trạng thua lỗ trong những ngày cửa hàng đóng cửa. Điều đó vô tình càng thôi thúc các “thượng đế” nhanh tay đi mua sắm trước khi các món đồ yêu thích của mình trở nên đắt đỏ hơn.

Về phần mình, các trung tâm thương mại ngoài việc sở hữu vị trí trung tâm thuận lợi, phải toát lên vẻ đẹp sang trọng, đầy kiêu hãnh, để các thương hiệu uy tín và nổi tiếng thế giới chọn làm nơi đặt “Flagship store” (cửa hàng hàng đầu trong một chuỗi cửa hàng bán lẻ) của mình. “Tôi thích đến các cửa hàng có quy chuẩn quản lý chuyên nghiệp và nghiêm ngặt về chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tinh tế” - chị Ngọc Diệp khẳng định.

Tuy nhiên, để đáp ứng được làn sóng “mua sắm trả thù” cũng như tương lai của thị trường du lịch, chi tiêu mua sắm của Việt Nam với khách quốc tế, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, phải có thêm mặt bằng đủ lớn cho các trung tâm thương mại bởi các thương hiệu luôn cần “buôn có bạn bán có phường”.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng “mua sắm trả thù” này là do dịch Covid-19 đã làm người giàu tăng số tiền tiết kiệm sau khoảng thời gian không có nhiều cơ hội để chi tiêu. Và, dự báo, dung lượng thị trường hàng xa xỉ của Statista trong năm nay tăng 17% không có gì đáng ngạc nhiên. Thời điểm này các nền kinh tế bắt buộc phải khôi phục.

Theo dữ liệu mới công bố của World Data Lab (Anh), trong thập niên qua, Việt Nam ở nhóm các nước tăng số người thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới. Cơ quan này dự báo Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030.

Theo tiêu chuẩn của tổ chức này, tầng lớp trung lưu là những hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người từ khoảng 0,25 - 2,5 triệu đồng.

Phạm Nhã