Trường Sĩ quan Chính trị cần chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, định hướng tư tưởng cho bộ đội
Chính trị - Ngày đăng : 14:32, 19/12/2021
Trường Sĩ quan Chính trị có tên gọi khác Trường Đại học Chính trị, trực thuộc Bộ Quốc phòng, thành lập tháng 1-1976. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội có trình độ đại học; đào tạo chuyển loại cán bộ chính trị cấp phân đội; đào tạo giáo viên khoa học xã hội nhân văn trình độ đại học; đào tạo sĩ quan và cán bộ chính trị cho quân đội nước ngoài khi được giao nhiệm vụ. Qua 46 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường Sĩ quan Chính trị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kết tinh nên truyền thống "Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt".
Hiện quy mô đào tạo liên tục được mở rộng và đang đào tạo 16 đối tượng trình độ đại học, sau đại học, bao gồm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn cho Quân đội ta và đào tạo cán bộ chính trị cho Quân đội nước bạn Lào, Campuchia... Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên của Trường Sĩ quan Chính trị có trình độ từ đại học trở lên, trên 62% có trình độ sau đại học, trong đó có 4 Phó Giáo sư, 68 Tiến sĩ.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Trường Sĩ quan Chính trị.
Ôn lại lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 77 năm qua, Quân đội ta đã khẳng định rõ là một Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trong giai đoạn hiện nay, Quân đội ta luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, Quân đội là lực lượng đi đầu trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả chiến tranh, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Chủ tịch nước cho biết, Hội đồng Quốc phòng An ninh đã họp, đánh giá cao vai trò tiên phong, đi đầu của Quân đội trong phòng, chống dịch Covid-19, trực tiếp cứu dân, đưa trang thiết bị, binh sĩ đến từng xã, phường; có bộ phận đi chợ giúp dân. Đây là lực lượng tuyến đầu, sẵn sàng “chiến đấu” trực tiếp ở các điểm nóng nhất của dịch bệnh. Những cử chỉ cao đẹp đó đã tạo nên những ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện chính sách hậu phương quân đội, phối hợp với các địa phương thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa bàn an toàn, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới, hải đảo... Những thành tích xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững và tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện là nguyên tắc căn bản, có ý nghĩa sống còn xuyên suốt lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Công tác Đảng, công tác chính trị là linh hồn, mạch sống của Quân đội ta.
Chủ tịch nước đánh giá, 46 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, học viên của Trường đã đạt những kết quả toàn diện, xuất sắc. Theo đó đã đào tạo hơn 3 vạn cán bộ chính trị cấp phân đội; cùng rất nhiều cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh của Quân đội, cán bộ chính trị của lực lượng Công an nhân dân. Những cán bộ chính trị được đào tạo từ trường là những viên “gạch hồng” góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn quân.
Nêu yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Chủ tịch nước yêu cầu đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung, đội ngũ chính trị viên, giáo viên, học viên công tác Đảng, công tác chính trị nói riêng tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, nhà trường cần đẩy mạnh đổi mới, chuẩn hóa, hiện đại hóa chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp dạy học cho các đối tượng, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm trong quản lý, giáo dục, định hướng tư tưởng cho bộ đội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin của học viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trường Sĩ quan Chính trị phải giữ vững vị thế là một trong những lực lượng nòng cốt nghiên cứu, tổng kết làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và vận dụng các quan điểm, đường lối của Đảng vào tăng cường sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Quân đội về chính trị trong tình hình mới; nghiên cứu đề xuất cho Bộ Quốc phòng để có luận cứ xây dựng về công tác chính trị, hàm lượng trí tuệ cao.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu, trường tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là biện pháp quan trọng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng nhà trường.
Chủ tịch nước tin tưởng, với bề dày truyền thống vẻ vang 46 năm qua, với quyết tâm chính trị cao, Trường Sĩ quan Chính trị sẽ không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao phó.