Chậm lắp camera giám sát trên phương tiện: Xử lý trách nhiệm doanh nghiệp vận tải
Giao thông - Ngày đăng : 06:53, 20/12/2021
Mới có 32% phương tiện hoàn thành lắp đặt
Là doanh nghiệp có 80 phương tiện phải lắp camera giám sát theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Giám đốc Công ty TNHH Logistics XNK Lê Huy Phương cho biết, từ ngày 10-11, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện lắp đặt camera giám sát trên phương tiện. Doanh nghiệp xác định đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, ý thức của lái xe, qua đó giảm tai nạn giao thông. “Tuy nhiên, khi lắp camera xong, hằng tháng doanh nghiệp phải trả chi phí đường truyền. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phương tiện hoạt động cầm chừng thì đây là khoản chi phí khá lớn nên doanh nghiệp mong sẽ được hỗ trợ để giảm bớt khó khăn”, ông Lê Huy Phương kiến nghị.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp buýt của Hà Nội cũng đang hoàn tất việc lắp camera giám sát trên phương tiện. Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội Đào Việt Dũng, đơn vị đã lắp camera cho toàn bộ 150 xe buýt, giúp giám sát hoạt động của lái, phụ xe. Khi có phản ánh của khách hàng, lãnh đạo đơn vị có thể xác minh sự việc một cách khách quan.
Nhiều doanh nghiệp cũng cam kết sẽ hoàn thành lắp đặt camera trước ngày 31-12-2021, song cũng kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ một phần chi phí trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải hành khách giảm đáng kể.
Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển cho biết, toàn thành phố có 16.056 đơn vị kinh doanh vận tải. Tính đến ngày 15-12-2021 (tức còn 15 ngày nữa là hết hạn), mới có 6.062 đơn vị với tổng cộng 11.032 phương tiện hoàn thành lắp đặt camera giám sát (chiếm 32% tổng số phương tiện). Như vậy vẫn còn 23.289 phương tiện chưa lắp.
Đăng kiểm sẽ đánh giá không đạt nếu chưa lắp camera
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long thông tin, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt quá trình tham gia giao thông trước ngày 1-7-2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn đến ngày 31-12-2021. Tỷ lệ phương tiện đã lắp đặt camera của Hà Nội nhìn chung là cao so với mặt bằng chung của cả nước (nhiều địa phương mới đạt 10-30%), song còn thấp so với yêu cầu. Trước tình hình đó, Sở đã giao các đội thanh tra giao thông - vận tải phụ trách địa bàn đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn; đồng thời xây dựng phương án kiểm tra, xử lý theo quy định với doanh nghiệp không chấp hành.
“Nhiều doanh nghiệp đề nghị được lùi thời hạn do dịch Covid-19 kéo dài. Song, quan điểm của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải là không kéo dài thêm thời gian lắp đặt camera cho các doanh nghiệp nữa. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm doanh nghiệp vận tải không thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ” - ông Đào Việt Long khẳng định.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới số 29-10D (quận Hoàng Mai) Vũ Mạnh Cường cho biết, sau ngày 31-12-2021, phương tiện không lắp camera theo quy định khi đăng kiểm sẽ bị đánh giá không đạt và yêu cầu phải hoàn thành việc lắp đặt.
Người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng nếu không lắp camera theo quy định hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định; sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông; không truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) 1-3 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.