Kết nối cung - cầu lao động thời vụ cuối năm
Đời sống - Ngày đăng : 06:24, 22/12/2021
Nghịch lý cung - cầu
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý III và quý IV-2021, cả nước có hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng về việc làm. Trong đó, nhiều lao động từ các vùng kinh tế trọng điểm trở về quê, hiện chưa trở lại. Điều này dẫn đến nghịch lý, người lao động thất nghiệp, mất việc làm tăng cao, nhưng doanh nghiệp ở các thị trường trọng điểm lại khó tuyển lao động thời vụ dịp cuối năm.
Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính tổng hợp (Công ty cổ phần Vang Thăng Long) Nguyễn Quang Vinh cho hay: “Chúng tôi đang cần tuyển bổ sung 30-40 lao động thời vụ. Thế nhưng, sau nhiều ngày tìm kiếm, qua nhiều kênh thông tin, đến nay vẫn chưa tuyển đủ lao động”. Còn bà Hoàng Thị Vân Anh, Quản lý một số cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Con Cưng chia sẻ: “Chúng tôi cần tuyển bổ sung hàng trăm nhân sự cho chuỗi cửa hàng tại các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…, song rất khó tuyển”.
Ngoài ra, thông tin “việc cần tìm người” xuất hiện ở nhiều nơi. Chẳng hạn, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) tại địa chỉ: http://vieclamhanoi.net/, các đơn vị, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển mới hơn 3.000 vị trí việc làm, chủ yếu là việc làm thời vụ. Tương tự, Cổng thông tin dịch vụ việc làm (http://esip.vieclamvietnam.gov.vn) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp đăng tuyển tìm kiếm ứng viên cho những thị trường lớn.
Nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ ở thời điểm này tăng khoảng 15-20%, tương ứng với hàng trăm nghìn vị trí công việc đang trống người làm. Tuy nhiên, nhiều người lao động lại không mặn mà ứng tuyển. Anh Nguyễn Xuân Nguyên, thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn (huyện Ba Vì) cho biết: “Mặc dù bị mất việc làm do dịch Covid-19, nhưng tôi muốn ứng tuyển vào những vị trí công việc có tính ổn định, làm lâu dài, không phải là việc thời vụ”. Từng làm công việc giúp việc gia đình theo giờ tại Hà Nội, chị Bùi Thị Tuất, xã La Phù, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) bày tỏ: “Gần Tết rồi, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp nên tôi ở nhà với gia đình, không đi làm thêm. Ăn Tết xong, tôi mới trở lại Hà Nội tìm việc tiếp”.
Từ kinh nghiệm kết nối cung - cầu lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, việc cung - cầu khó gặp nhau vào thời điểm cuối năm gây lãng phí, ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía, cần được khắc phục sớm.
Chủ động trợ giúp
Để thị trường lao động dịp cuối năm diễn ra sôi động, đúng hướng, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Chánh Văn phòng, Phụ trách công tác nhân sự của Liên hiệp Hợp tác xã Ocop Việt Nam cho rằng, hệ thống sàn giao dịch việc làm tại các địa phương cần tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động với doanh nghiệp cần tuyển ứng viên. Dưới góc độ người lao động, anh Nguyễn Hùng Lĩnh, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để người lao động có thể yên tâm làm việc ở nơi xa quê hương.
Từ thực tế quản lý công tác lao động, việc làm tại địa phương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho rằng, để thu hút người lao động trở lại thị trường trọng điểm, nhất là vào thời điểm cuối năm, các bên liên quan cần có chính sách hỗ trợ toàn diện cho người lao động cũng như người sử dụng lao động.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm bằng nhiều hình thức, đồng thời kết nối một số địa phương khác để tổ chức các phiên giao dịch việc làm thời vụ “liên tỉnh, liên thành phố”, qua đó tăng cường kết nối cung - cầu về lao động, việc làm. Ngoài ra, Sở phối hợp với các đơn vị chức năng thu thập thông tin, dự báo về thị trường lao động, làm cơ sở để người có thể tìm đúng việc, việc tìm được người phù hợp.
Ở cấp vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay, Bộ vừa ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Theo đó, thời gian tới, người lao động và người sử dụng lao động tiếp tục được hỗ trợ về nhiều mặt để bảo đảm sự ổn định về việc làm. Bộ khuyến khích đơn vị, doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca cũng như các chế độ phúc lợi khác. Về lâu dài, người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp... sẽ được tiếp cận với chính sách hỗ trợ về sinh hoạt tối thiểu, đi lại, chăm sóc y tế, nơi ở tạm thời...