Kilomet 109: Nơi chất liệu bản địa ''kể chuyện''
Văn hóa - Ngày đăng : 07:26, 23/12/2021
Dấu ấn bản địa trên từng sản phẩm
Không gian của Kilomet 109 nằm trên đường Quảng An (quận Tây Hồ). Bước vào đây, người ta không khỏi bỡ ngỡ trước những mẫu thiết kế mộc mạc nhưng đầy phóng khoáng và mang nét cá tính riêng. Nhà thiết kế Vũ Thảo nhiệt tình giới thiệu với khách những mẫu mới và say mê kể những câu chuyện thú vị về quy trình chế tác nguyên vật liệu làm nên từng sản phẩm: “Chiếc áo mũ tháo rời này nằm trong bộ sưu tập HẠT/2014. Nó được nhuộm củ nâu qua hơn 10 nước với phương pháp kết hợp cả nhuộm nóng và nhuộm lạnh. Loại vải bông pha tơ tằm nên màu nhuộm rực hơn so với loại vải bông 100%”, hay “Chiếc áo khoác Lãm phiên bản phi giới tính này được chế tác từ vải lụa tussah nhuộm mủ mặc nưa. Vải lụa tơ tằm được nhúng mủ mặc nưa (một loại cây thân mộc mọc nhiều ở miền Nam Việt Nam, Campuchia, Thái Lan...) nhiều lần rồi ngâm bùn tươi. Sau khi được cầm màu, vải sẽ được đập bằng máy để làm mềm và cũng để vải chắc hơn. Đây là một phương pháp độc đáo. Nó là loại vải lụa khỏe nhất mà chúng tôi tạo ra. Vải có chức năng kỳ diệu vừa chống thấm và chống bẩn. Một tấm áo lý tưởng cho nhiều điều kiện thời tiết khác nhau...”.
Đấy chỉ là một vài câu chuyện mà Vũ Thảo kể cho khách hàng trong hàng loạt những câu chuyện về mỗi sản phẩm. Mỗi mẫu thiết kế của Vũ Thảo đều hướng tới tính ứng dụng trong đời sống để khách hàng có thể mặc hằng ngày, ở nhiều môi trường và điều kiện thời tiết khác nhau. Và quan trọng hơn, các sản phẩm của chị đều được làm từ các vật liệu tự nhiên theo một quy trình khép kín, từ khâu trồng nguyên liệu ban đầu, cho đến thu hái, sơ chế, se sợi, dệt, nhuộm, vẽ sáp ong và cán/ mài đá, thêu… để cuối cùng cho ra đời những sản phẩm được làm từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Trong quy trình kỹ thuật này, hầu như không có nguyên liệu nào là thừa và bị bỏ đi một cách lãng phí. Đến những bã của các thân cây chàm, gai dầu sau khi được chiết xuất làm màu nhuộm hay sợi bông cùng được tận dụng để ủ làm phân bón cho các cánh đồng nguyên liệu. Cứ như thế, một vòng tròn tuần hoàn, tái sinh luôn được tiếp diễn, như chính triết lý mà Vũ Thảo theo đuổi: Triết lý thiết kế chậm và phát triển bền vững. Cũng bởi thế, những thiết kế của chị luôn mang bản sắc, cá tính riêng, không lẫn với bất cứ nhà thiết kế nào khác.
Một điều khác biệt nữa trong các thiết kế của Vũ Thảo là mỗi mẫu thời trang phải có tính ứng dụng cao, bởi chị quan niệm: Giá trị thực sự của thiết kế là để phục vụ đời sống nên phải có khả năng đi vào đời sống. Do đó, những mẫu thiết kế của chị thường có giá trị thẩm mỹ cao và có thể mặc được theo nhiều kiểu, tùy vào sở thích và sức sáng tạo của người dùng. Nhưng để có được điều đó, mọi thứ đều xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của nhà thiết kế. Chia sẻ về điều này, nhà thiết kế Vũ Thảo nói: “Chúng tôi chuộng thiết kế quần áo đa chức năng và có thể được tạo kiểu theo nhiều cách khác nhau. Bằng việc kết hợp các lớp thiết kế vào một sản phẩm, tôi mong muốn tạo ra sự thú vị mà không làm mất đi sự thanh tao của trang phục. Thật vui khi thấy người mặc sử dụng thiết kế của chúng mình và làm cho nó phù hợp với phong cách cá nhân của họ”.
Phát triển bền vững dựa vào cộng đồng
10 năm qua, Vũ Thảo miệt mài chọn cho mình một lối đi riêng, không ồn ào, màu mè, không kiểu cách hay chạy theo xu hướng thời trang thế giới. Con đường chị đi luôn hướng đến những giá trị và tinh thần văn hóa bản địa, bởi với chị, những điều đó mới làm nên cá tính, bản sắc để định vị thiết kế thời trang Việt trên bản đồ thế giới. “Điều khiến tôi tìm về với những nguyên vật liệu, chất liệu truyền thống là khi chứng kiến nhiều kỹ thuật chế tác thủ công của người Việt không được truyền lại cho thế hệ sau ở những môi trường liên quan đến truyền thống, trong đó có môi trường thiết kế. Điều ấy thôi thúc tôi phải làm gì đó trước khi vốn tri thức dân gian quý báu ấy của các cộng đồng ấy biến mất trong cuộc sống đương đại”.
Và cuộc đồng hành cùng các cộng đồng bản địa trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho chính thương hiệu Kilomet 109 của nhà thiết kế Vũ Thảo đã bắt đầu như thế. Sau 10 năm, chị đã cùng cộng đồng người Mông đen ở Sapa (Lào Cai), người Mông xanh ở Pà Cò (Hòa Bình), người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình), người Nùng An (Cao Bằng), người Khmer (An Giang) hay một số làng nghề truyền thống ở Hà Nội như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng thêu Quất Động (Thường Tín)... Với mỗi cộng đồng, Vũ Thảo đều có cách làm riêng để khơi dậy và bảo tồn những kỹ năng nghề truyền thống như dệt, nhuộm chàm, mài đá, vẽ sáp ong… Mặc dù là kỹ thuật chung, nhưng với nguồn nguyên liệu, nguồn nước cùng các phương pháp chế tác thủ công khác nhau sẽ cho ra những nguyên vật liệu, chất liệu khác nhau. Cùng là dệt lanh, nhuộm chàm nhưng kỹ thuật của người Mông xanh ở Pà Cò (Hòa Bình) không giống người Mông đen ở Sapa (Lào Cai). Vì thế, sẽ cho ra những tấm vải lanh, đũi có màu sắc, chất liệu khác nhau. Chính sự khác nhau ấy là cái cốt lõi để tạo nên sự đa dạng, phong phú trong các mẫu thiết kế của Kilomet 109.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo công ăn việc làm ổn định, khôi phục vùng trồng nguyên liệu hay cải tiến công cụ sản xuất để tăng năng suất cho các cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số suốt 10 năm qua, nhà thiết kế Vũ Thảo cùng với thương hiệu Kilomet 109 còn mang đến cho các cộng đồng này những cơ hội hợp tác xuyên biên giới. Chẳng hạn như, với sự hỗ trợ của quỹ Kết nối thông qua văn hóa (Connection through culture) của Hội đồng Anh, cộng đồng người Mông xanh ở Pà Cò đã và đang hợp tác với một xưởng chế tác thủ công ở London (Anh) chuyên làm nến vải sáp để học hỏi cách làm và cho ra mắt dòng sản phẩm nến thơm, các loại vải sáp và ngược lại. Đây là lần đầu tiên, một dự án hợp tác về tri thức, kỹ thuật, quy trình, với sự tham gia của các nhà thiết kế, các cộng đồng ở hai đất nước được triển khai nhằm học hỏi và đưa ra những sản phẩm mới mang đậm yếu tố văn hóa bản địa nhưng cũng có không ít sự sáng tạo khi tiếp nhận văn hóa truyền thống của một cộng đồng khác.
Để lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa, bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm của mình với bạn bè thế giới, nhà thiết kế Vũ Thảo còn thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế, buộc họ phải đến Việt Nam, đích thân tìm hiểu thông qua tour học tập, nghiên cứu mang tên “Kỳ nghỉ với nghệ sĩ” (Vacation with an artist - VAWAA). Đây là một nền tảng quốc tế mà Vũ Thảo là một trong những người Việt Nam đầu tiên tham gia nhằm giới thiệu với các nghệ sĩ, nhà thiết kế hay các bạn trẻ nước ngoài có nhu cầu học tập, tìm hiểu về các nguồn nguyên liệu bản địa. Tour này có giá 2.000USD/tuần, mỗi khóa chỉ có 3 người đủ tiêu chuẩn mới được tham gia đào tạo. Theo nhà thiết kế Vũ Thảo, đây là cách kể chuyện văn hóa hiệu quả bởi sau quá trình học tập, những người tham gia sẽ trở thành đại sứ văn hóa, lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Với mong muốn lưu giữ các tri thức dân gian và hỗ trợ các cộng đồng bảo tồn, phát huy nghề truyền thống một cách bền vững, nhà thiết kế Vũ Thảo còn ấp ủ dự định thành lập một bảo tàng số về nguyên vật liệu, chất liệu bản địa của từng địa phương, để các bạn trẻ và những người có chung một tình yêu với thời trang, chung sự say mê sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống mang tính bản địa của các cộng đồng. Dự án dài hơi này đang được cụ thể hóa và hoàn thiện dần trên website có tên Mộc - nơi chính các nguyên vật liệu bản địa, các thiết kế sẽ “kể” những câu chuyện về vùng đất đã hình thành, nuôi dưỡng mình, từ đó góp phần làm đẹp cuộc sống và phát triển một cách bền vững, như cái cách mà nhà thiết kế Vũ Thảo và Kilomet 109 đang theo đuổi…