Cần định hướng phù hợp

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 24/12/2021

(HNM) - Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có kết thúc. Mỗi mục tiêu hoàn thành là một dấu ấn, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới. Nhờ sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân, tính đến thời điểm hiện tại, 382/382 xã trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai xây dựng nông thôn mới đều đã về đích, giúp Hà Nội hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Nông thôn mới Hà Nội với đặc thù của Thủ đô văn hiến, không chỉ là xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo "gương mặt" mới văn minh, hiện đại cho các miền quê hay tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh…, mà còn là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế nông thôn, phát triển làng nghề và các loại hình dịch vụ phù hợp với đặc thù của mỗi vùng, miền.

Thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là hai “trụ cột” không thể tách rời trong xây dựng nông thôn mới. Văn hóa là nền tảng, cũng là động lực để thúc đẩy kinh tế và kinh tế tạo ra nguồn lực để bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa nông thôn. Cùng với phát triển nghề truyền thống, bảo tồn các không gian kiến trúc làng quê, việc gắn các làng nghề, di tích... với phát triển dịch vụ du lịch sẽ mang đến sự chuyển dịch mạnh mẽ cho kinh tế nông thôn; đồng thời hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mang đặc trưng của mỗi vùng, miền.

Thời gian vừa qua cùng với việc phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống; triển khai nhiều phong trào bảo vệ môi trường; xây dựng làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp. Tiếp tục bước sang giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các địa phương cần đặc biệt chú trọng gắn văn hóa và kinh tế vào các mục tiêu kế hoạch, phát triển. Mặt khác, gắn xây dựng nông thôn mới với các định hướng đô thị - đặc biệt là nông nghiệp đô thị.

Để những miền quê Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong tiến trình đô thị hóa theo hướng sinh thái, bền vững, văn minh, hiện đại, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến sẽ đầu tư vào khu vực nông thôn 92.680 tỷ đồng (tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020). Đây là nguồn lực quan trọng nhưng không phải là tất cả, các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế nông thôn cũng như huy động xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch; ban hành và thực hiện các quy chế quản lý kiến trúc không gian làng quê; tập trung đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa nông thôn, xây dựng công viên cây xanh theo hướng văn minh, hiện đại. Cùng với đó là tập trung triển khai các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới để mỗi làng quê thật sự là nơi đáng sống.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp làng nghề, dịch vụ nông nghiệp…; đồng thời, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đặc thù, chú trọng đầu tư, quảng bá, kết nối, phát triển các mô hình du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…; gắn việc phát triển các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp với du lịch…

Trong giai đoạn phát triển mới, các địa phương cần có những định hướng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phù hợp với điều kiện và thế mạnh riêng có.

Thế Văn